Trong thời gian qua, cả Trung ương và các địa phương đã nỗ lực rất lớn trong công tác ứng phó xói lở bờ biển. Tuy nhiên, nguồn vốn đầu tư như "muối bỏ bể" trong khi sạt lở đang lan rộng với tốc độ rất nhanh. Theo các tỉnh ven biển ĐBSCL, mỗi năm các địa phương cần khoảng 2.000 tỷ đồng để ứng phó xói lở bờ biển. Nguồn vốn đó chỉ ưu tiên đầu tư cho các khu vực xung yếu. Ngoài nguồn vốn chi thường xuyên, năm 2018 Trung ương đã bổ sung 2.500 tỷ đồng để các địa phương ứng phó khẩn cấp các điểm sạt lở mang tính cấp thiết, nhưng số tiền này không thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. Theo Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam, để ứng phó đồng bộ và mang tính căn bản, cần số vốn khổng lồ lên đến 34.000 tỷ đồng chỉ trong giai đoạn 2018 - 2020.
Trong bối cảnh nguồn vốn có hạn, để giảm gánh nặng ngân sách, các địa phương đã mời gọi doanh nghiệp cùng tham gia ứng phó xói lở. Đến thời điểm này đã có những công trình từ vốn xã hội hóa đi vào hoạt động, nhiều công trình khác đang triển khai và dự định triển khai. Tại ĐBSCL, có khoảng 10km công trình kè biển do doanh nghiệp đầu tư, một tỷ lệ còn khá khiêm tốn so với nhu cầu, nhưng trong bối cảnh nguồn vốn ngân sách còn hạn hẹp, dù ít cũng là rất quý.
Xã hội hóa đầu tư công trình bảo vệ bờ biển là giải pháp giúp giảm nhẹ gánh nặng ngân sách. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách chưa đủ hấp dẫn để các doanh nghiệp đầu tư làm công trình. Với mức đầu tư hạn chế như hiện nay, việc khôi phục lại diện tích rừng ngập mặn được xem là cách làm ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao. Tại một số địa phương, nhờ triển khai nhiều giải pháp, hiện các đai rừng phòng hộ ven biển ngày càng dày thêm.
Theo các chuyên gia, mặc dù ít tốn kém, mang lại hiệu quả cao, do điều kiện địa hình, thủy văn phức tạp nên chỉ khoảng 30% diện tích đất ven biển tại ĐBSCL có thể trồng rừng gây bồi tạo bãi. Do đó, giải pháp trồng rừng gây bồi không thể áp dụng đại trà tại các địa phương trong khu vực. Thực tế xã hội hóa xây kè hay trồng rừng bảo vệ đê biển mặc dù phát huy hiệu quả tích cực nhưng mỗi giải pháp đều có những nhược điểm riêng. Trong bối cảnh xói lở bờ biển "đục khoét" ĐBSCL hiện nay, cần có những giải pháp mang tỉnh tổng thể để giải quyết tận gốc vấn đề.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!