Hậu Giang là một trong những địa phương xuất hiện tình trạng kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng “nóng” nhất vùng ĐBSCL. Năm 2013, ngành chức năng tỉnh phát hiện trên 15 mẫu phân bón giả, kém chất lượng. Thực trạng này đã ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nông dân, bởi phân bón là sản phẩm không thể thiếu trong canh tác lúa hiện nay.
Thực tế việc phát hiện và xử lý kịp thời phân bón giả phụ thuộc rất lớn vào nông dân, vì qua sử dụng bà con có thể xác định được chất lượng thực của sản phẩm. Tuy nhiên, khi phát hiện thường nông dân không giữ lại sản phẩm nên công tác kiểm tra, xử lý các cơ sở vi phạm gặp nhiều khó khăn.
Phân bón giả, kém chất lượng ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích của người nông dân. Trong ảnh là một người dân trộn phân chuẩn bị bón cho lúa (ảnh có tính minh họa). Nguồn: TBKTSG Online
Còn tại Kiên Giang, trong năm vừa qua, ngành chức năng tỉnh này đã xử lý đến bốn cơ sở kinh doanh phân bón không đảm bảo chất lượng. Trong đợt ra quân mới đây, ngành chức năng tiếp tục phát hiện nhiều trường hợp vi phạm về tem nhãn, dự trữ phân bón kém chất lượng…
Hiện nay, việc chống phân bón giả trở nên căng thẳng hơn, vì không chỉ nông dân mà nhiều doanh nghiệp cũng không thể nhận biết chất lượng của mặt hàng này.
Để biết chất lượng phân bón thì phải thông qua việc kiểm tra lấy mẫu, song theo ngành quản lý thị trường các tỉnh, thành vùng ĐBSCL hiện công tác này đang bộc lộ nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Quốc Thơ - Phó Chi Cục Trưởng Chi Cục Quản lý thị trường tỉnh Kiên Giang nói: “Lấy mẫu có khi phải mất cả tuần mới có kết quả, vì vậy nếu mặt hàng đó kém chất lượng thì doanh nghiệp đã bán, tiêu thụ hết”.
Trong vụ Hè Thu năm 2014, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng ngày càng xuất hiện tinh vi hơn. Cụ thể, nhiều cơ sở đã núp bóng các thương hiệu lớn để qua mặt ngành chức năng, hay chia ra từ nhóm lẻ phân phối sản phẩm về các địa phương vùng sâu, vùng xa với giá bán rẻ. Do đó, bà con phải cẩn trọng không vì lợi ích trước mắt mà mua những sản phẩm này, nên giao dịch qua các cơ sở uy tín có địa chỉ rõ ràng.