Vì sao S&P hạ mức tín nhiệm của Việt Nam?

Trần Hà-Thứ ba, ngày 23/08/2011 12:00 GMT+7

Hãng xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (Mỹ) vừa hạ mức tín nhiệm nợ dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam xuống 1 bậc, từ mức BB xuống BB-. Động thái này ít nhiều tạo ra những băn khoăn trên thị trường tài chính trong nước mấy ngày qua.

S&P cho rằng, Việt Nam đang đối mặt với những rủi ro về bất ổn kinh tế và tài chính trong ngắn hạn.

Và điều này liệu có đem lại một kỳ vọng kém lạc quan về dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam hay không. Để hiểu rõ hơn về động thái hạ tín nhiệm của S&P, nhóm phóng viên VTV đã liên lạc qua điện thoại với ông Kim Eng Tan, một trong những chuyên gia tín nhiệm cao cấp của S&P tại Singapore, đồng thời cũng là nhà nghiên cứu chính của bản đánh giá xếp hạng vừa qua về Việt Nam nhằm có những giải thích rõ hơn về vấn đề này.

Trong bối cảnh những thông tin về việc xếp hạng tín nhiệm đang trở nên vô cùng nhạy cảm trên thế giới, tại sao Standard & Poor’s lại vừa quyết định hạ mức tín nhiệm dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam. Vậy đâu là lý do của động thái này?

Theo tôi, các bạn không nên quá bất ngờ về việc tín nhiệm dài hạn bằng đồng nội tệ của Việt Nam từ mức BB đã bị hạ xuống mức BB-. Bởi lẽ điều này chỉ mang tính chất kỹ thuật khi chúng tôi đang áp dụng phương pháp mới của S&P về xếp hạng nợ quốc gia theo hướng là kéo gần khoảng cách giữa xếp hạng nợ nội tệ và ngoại tệ.

Bằng chứng là chúng tôi vẫn không thay đổi điểm tín nhiệm nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam, vì hạng điểm này không bị ảnh hưởng bởi phương pháp điều chỉnh mới. Tôi cũng cho rằng, mức BB- như hiện nay là khá phù hợp với một nước có triển vọng tăng trưởng tốt, một thị trường tài chính đang phát triển. Song mặt khác nó cũng phù hợp với một quốc gia vẫn đang ở trong tình trạng thu nhập thấp như Việt Nam, vẫn ẩn chứa nhiều bất ổn và vẫn lệ thuộc những chính sách mang tính hành chính.

Mặc dù việc hạ tín nhiệm này mang tính kỹ thuật, nhưng hiện đang có những lo ngại rằng thông tin này có thể ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nươc ngoài vào Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này?

Chúng tôi đã giải thích rất rõ trong bản nghiên cứu của mình, và xin được nhắc lại rằng, lý do chính cho những động thái hạ tín nhiệm với Việt Nam của S&P như vừa qua là do thay đổi phương pháp xếp hạng mang tính kỹ thuật. Đó không phải là bản đánh giá lại toàn bộ các điều kiện tín dụng hay các nền tảng tín dụng cơ bản của Việt Nam. Tất cả những dữ liệu đó vẫn không thay đổi, chỉ là thay đổi cách tính. Thế nên theo tôi, những thay đổi nào đó về luồng vốn từ bên ngoài sẽ rất ít và nếu có, nó chỉ xảy ra trong ngắn hạn, do tác động tâm lý.

Còn về dài hạn, tôi nghĩ các luồng vốn đầu tư từ nước ngoài sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Tôi biết, trong bối cảnh giới đầu tư đang ồ ạt rút lui khỏi các thị trường nhiều bất ổn như Mỹ và châu Âu, thì các thị trường mới nổi như Việt Nam cũng có những lợi thế thu hút vốn nhất định và tôi biết đang có luồng vốn chờ vào như thế. Tuy nhiên, để thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài thì không chỉ phụ thuộc vào đánh giá tín nhiệm của chúng tôi, mà nó sẽ phụ thuộc nhiều vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô, đó là về thâm hụt ngân sách, lạm phát, lãi suất, hiệu quả đầu tư công, về sự ổn định của đồng tiền Việt Nam.

Tuy nhiên, theo dự báo của chúng tôi thì lạm phát trong năm nay của Việt Nam sẽ không thể dưới mức 20%, trong bối cảnh việc cắt giảm đầu tư công trong thời gian qua vẫn chưa thực sự hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế cả năm của Việt Nam cũng sẽ ở mức 5%.

Vậy còn về khả năng vay nợ dài hạn của Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc hạ tín nhiệm của S&P theo ông có ảnh hưởng đến điều này hay không?

Hiện tại, thị trường toàn cầu đang bất ổn, đặc biệt ở các quốc gia phát triển. Các nước này đang lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Thế nên, việc vay vốn của các chính phủ, của các doanh nghiệp cả trong và ngoài nước đều rất khó khăn, ít nhất là trong ngắn hạn. Tuy nhiên tôi nghĩ, trong dài hạn nếu Việt Nam giữ được thị trường tài chính ổn định, nợ xấu trong hệ thống ngân hàng không quá cao, thâm hụt ngân sách không quá lớn, thì Việt Nam cũng sẽ không gặp khó trong việc vay nợ nước ngoài.

Thực tế thì chính đội nghiên cứu của chúng tôi cũng đang tiếp tục theo dõi. Nếu những rủi ro của nền kinh tế Việt Nam như lạm phát, lãi suất cao có chiều hướng suy giảm, tỷ giá ổn định như hiện nay, thì chúng tôi sẽ cam kết giữ nguyên mức xếp hạng này trong thời gian tới. Bởi điều đó đã phản ánh sự thành công trong chính sách của chính phủ, dần tạo lòng tin hơn đối với đồng nội tệ.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước