Do việc huy động vốn của người dân chưa được giám sát chặt chẽ, nên nhiều DN tại Hưng Yên đã tự đưa ra mức thu buộc người dân phải đóng mới được dùng nước sạch.
Người dân tại huyện Kim Động (Hưng Yên) cho biết, năm 2017, Công ty nước Ngọc Tuấn có về các xã để triển khai làm đường ống cấp nước sạch vào các thôn. Hộ dân muốn có nước sạch, phải đóng 3,5 triệu đồng. Số tiền này được lý giải là dùng để mua cụm đồng hồ đo nước. Trong khi việc đầu tư hạ tầng phục vụ cho việc kinh doanh nước là trách nhiệm của doanh nghiệp.
Điều đáng nói, khi bán cụm đồng hồ đo nước cho người dân, phần lớn các doanh nghiệp lại không xuất hóa đơn tài chính cho người mua, chỉ có những tờ phiếu thu không dấu.
Tuy nhiên, không chỉ để ngoài sổ sách các khoản thu của người dân, mà DN còn giấu nhẹm chính sách về việc huy động này. Cụ thể, theo quy định của pháp luật, việc huy động tiền trong dân của các đơn vị kinh doanh nước sạch phải được thỏa thuận với người dân, không thể ép bao nhiêu người dân phải nộp bấy nhiêu.
Trao đổi với phóng viên, đại điện Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên xác nhận, việc đầu tư đường ống, đồng hồ nước là thuộc trách nhiệm của doanh nghiệp. Vì vậy, việc các DN tự ý đặt ra mức thu và không bàn bạc với người dân là không đúng quy định. Số tiền người dân đã đóng góp bản chất là số tiền người dân cho DN vay không lãi để đầu tư, sau này DN phải hoàn trả cho dân.
Hiện vẫn còn hơn 150 xã của tỉnh Hưng Yên chưa có nước sạch. Phải khẳng định, việc đưa nước sạch về nông thôn là cần thiết, và cơ chế cho phép DN huy động vốn từ dân là để khuyến khích DN tham gia, khi việc đầu tư vào nông thôn gần như không có ưu đãi. Tuy nhiên, việc huy động phải công khai minh bạch và phải dựa trên sức dân mới tạo được sự đồng thuận trong dân.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!