"Việt Nam có thể thành con hổ, con rồng hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển ngành công thương"

Ban Thời sự-Thứ năm, ngày 17/01/2019 22:58 GMT+7

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP/Quang Hiếu

VTV.vn - Đây là vấn đề mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đặt ra đối với Bộ Công Thương khi tới dự Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc lại thời điểm cách đây đúng một năm, khi tới dự Hội nghị tổng kết ngành công thương vào năm ngoái, ông đã đặt ra cho ngành 9 nhiệm vụ và đề nghị Bộ phải hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Và trong một năm qua, tập thể lãnh đạo Bộ đã giữ lời hứa, hoàn thành xuất sắc nhiều nhiệm vụ, là Bộ đi đầu trong việc cắt giảm các thủ tục và điều điện kinh doanh. Đặc biệt là trong năm 2018, lần đầu tiên xuất siêu trên 7 tỷ USD, kéo dài thành tích xuất siêu liên tục 3 năm liền.

Thủ tướng nhấn mạnh tầm quan trọng của Bộ Công Thương, khi mà từ những năm 90 đến nay, sau nhiều lần sắp xếp, từ 9 Bộ bây giờ chỉ còn là 1 Bộ. Động lực tăng trưởng của cả nước là thuộc 4 lĩnh vực, công nghiệp - nông nghiệp - thương mại và tín dụng, thì Bộ đã quản lý hai, và chỉ hai lĩnh vực này đã đóng góp 80% GDP và 70% thu ngân sách Nhà nước.

Thủ tướng cũng đánh giá cao lĩnh vực công nghiệp phụ trợ có tốc độ tăng trưởng tốt, tư duy sản phẩm hoàn toàn do nước ngoài lắp ráp đối với Việt Nam đã dần cũ, vì theo Thủ tướng, một số thiết bị tự động hóa, linh kiện điện tử, hay điện thoại di động đã được chính các doanh nghiệp Việt Nam tự sản xuất được. Việc đàm phán các Hiệp định thương mại và hội nhập kinh tế quốc tế cũng được lãnh đạo Bộ quan tâm thúc đẩy. Điều này cũng giúp cho tốc độ tăng trưởng xuất khẩu khu vực trong nước tăng nhanh hơn khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhất là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Và các sản phẩm hầu hết xuất được vào các thị trường phát triển như Nhật, Mỹ và EU.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở Bộ Công Thương là không được chủ quan, thỏa mãn, mà phải nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức, rồi phải xác định là cần chuẩn bị những gì, để mới có thể làm đầu tàu cho sự nghiệp công nghiệp hóa của đất nước, để đưa cả nước bước lên chuyến tàu cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành tích, nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận là những khuyết điểm lại còn nhiều hơn. Nội lực của ngành công nghiệp hiện vẫn còn yếu, chưa có ngành công nghiệp mũi nhọn, dịch vụ logistic phát triển còn chậm, mức độ sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vẫn còn nhiều bất cập. Cùng với đó, là mức độ liên kết giữa các doanh nghiệp còn hạn chế, doanh nghiệp trong nước vẫn chưa tham gia sâu được vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ những vấn đề còn tồn tại trong quản lý thị trường, tình trạng hàng giả, hàng nhái, buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, tác động xấu đến người dân và doanh nghiệp.

Trên cơ sở quan điểm là Bộ Công Thương phải chỉ có tiến, mà không có lùi, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đồng tình với mục tiêu mà Bộ đã đề ra là năm 2019 sẽ nhập siêu dưới 2%, tức là khoảng 3 tỷ USD, vì theo Thủ tướng, năm ngoái đã xuất siêu kỷ lục, thì sang năm 2019 quay lại nhập siêu là điều không thể chấp nhận.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước