Tại Việt Nam, bản đồ ô nhiễm bom mìn và hiện trạng tồn lưu ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh vừa được Bộ Quốc phòng công bố. Đây là dự án đầu tiên điều tra trên phạm vi toàn quốc với nguồn lực của chính phủ Việt Nam và hỗ trợ một phần của Hoa Kỳ.
Việc công bố hiện trạng là dịp để Việt Nam và cộng đồng quốc tế hiểu rõ thực trạng ô nhiễm bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Việt Nam hiện nay, từ đó xác định các nguồn lực và nhiệm vụ ưu tiên trong thời gian sắp tới.
15 tỉnh có tỷ lệ ô nhiễm lớn nhất là Quảng Trị, Bình Dương, Quảng Ngãi, Kon Tum, Tây Ninh, Đà Nẵng, Bình Định, Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Bình Phước, Hậu Giang, Trà Vinh, Quảng Ninh.
Dự án lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc được Bộ Quốc phòng triển khai từ cách đây 8 năm với sự tham gia của các tổ điều tra thực địa ở các địa phương. Nhóm các thành viên của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam rà soát, xử lý dữ liệu.
Các số liệu cho thấy có mối liên hệ giữa tỷ lệ đói nghèo và tác động của bom mìn, vật nổ. Những tỉnh, thành có tỷ lệ đói nghèo càng cao, mức độ ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ lên đời sống kinh tế - xã hội lại càng cao.
Trong mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc, khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới. Việt Nam đang không đi một mình trên con đường ấy.
Chúng ta cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn nhưng chúng ta không thể đợi hàng trăm năm đó mà phải đẩy nhanh tiến độ khắc phục là quyết tâm của chính phủ Việt Nam.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!