Việt Nam đã sử dụng hiệu quả vốn ODA

Trường Sơn-Thứ sáu, ngày 10/06/2011 08:30 GMT+7

Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong hơn 15 năm qua. Nhưng chúng tôi thấy rằng, vẫn có những sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng vì lý do thủ tục hay giải phóng mặt bằng...

Tại Hà Tĩnh, Bộ KH&ĐT Việt Nam và Ngân hàng thế giới vừa phối hợp tổ chức Hội nghị giữa kỳ Nhóm Tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam năm 2011 (CG). Đây là Diễn đàn để trao đổi ý kiến giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng các nhà tài trợ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam, đánh giá lại việc thực hiện các cam kết viện trợ tại Hội nghị chính thức năm trước, cũng như các biện pháp phối hợp giữa Chính phủ VN và các nhà tài trợ nhằm nâng cao hiệu quả viện trợ.

Hội nghị giữa kỳ nhóm tư vấn các nhà tài trợ năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là nỗi lo lạm phát tăng cao tác động tới cuộc sống của người dân. Vì thế, hai chủ đề chính được hội nghị tập trung thảo luận là “Tái lập và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô” và “bảo vệ người nghèo trước sự bất ổn của nền kinh tế”.

Tại diễn đàn, đại diện chính phủ Việt Nam đã khẳng định: Mục tiêu hàng đầu của Việt Nam trong năm nay là kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội. Theo đó, chính phủ đã ban hành nghị Nghị quyết 11 gồm 6 nhóm giải pháp lớn. Mục tiêu đầu tiên là kiềm chế lạm phát trong cả năm 2011 ở mức 15%.

Ông Võ Hồng Phúc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Để đảm bảo mục tiêu đó thì chúng ta thực hiện Nghị quyết 11 với 6 nhóm giải pháp lớn. Đó là thông điệp lớn nhất của chính phủ về ổn định kinh tế vĩ mô. Chính phủ nói rõ với các nhà tài trợ rằng, Nghị quyết 11 sẽ được triển khai từ nay đến hết năm 2011. Và nếu kinh tế vĩ mô chưa ổn định và còn có dấu hiệu bất ổn, thì chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện nghị quyết 11 trong những thập kỷ tiếp theo.

Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định sẽ tiếp tục đẩy mạnh các các chương trình, nghị quyết về xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người dân tại các khu vực khó khăn và khu vực làm công ăn lương để người dân có thể vượt qua giai đoạn khó khăn của nền kinh tế.

Đánh giá cao thông điệp và giải pháp của chính phủ Việt Nam, các nhà tài trợ cho rằng, Nghị quyết 11 là một kế hoạch đáng tin cậy, có khả năng đối phó tốt với sự bất ổn kinh tế. Nghị quyết này có những nội dung nhằm xử lý nhanh vấn đề bất ổn trong ngắn hạn, và cũng có những nội dung hướng tới giải quyết những yếu tố mang tính cấu trúc của nền kinh tế trong dài hạn, ví dụ như khu vực kinh tế nhà nước hay khu vực tài chính.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam: Tôi cho rằng, Việt Nam đã thực hiện nghị quyết 11 rất mạnh mẽ. Chúng ta đã thấy những thay đổi đáng kể trong chính sách tỉ giá… Tình trạng 2 tỉ giá đã cơ bản chấm dứt, mục tiêu tín dụng cũng đã được siết chặt… Chúng ta đều đã thấy, việc triển khai nghị quyết 11 đã có bước khởi đầu tốt, đặc biệt là chính sách tiền tệ. Tuy nhiên, những nội dung khác như chính sách tài khóa, hay chính sách liên quan đến cấu trúc nền nền kinh tế cũng cần được thực hiện mạnh mẽ hơn nữa để có thể đảm bảo thành công.

Tại hội nghị, đại diện chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ cũng đã thảo luận về những giải pháp nhằm sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, trong đó có việc hoàn thiện hành lang pháp lý liên quan đến việc triển khai các dự án ODA.

Ông Tsuno Motonori, Trưởng đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam đánh giá: Việt Nam đã sử dụng rất hiệu quả nguồn vốn ODA của Nhật Bản trong hơn 15 năm qua. Nhưng chúng tôi thấy rằng, vẫn có những sự chậm trễ trong việc triển khai các dự án ODA trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng vì lý do thủ tục hay giải phóng mặt bằng. Vì thế, chúng tôi mong chính phủ Việt Nam tiếp tục nâng cao năng lực quản lý của các cơ quan liên quan cũng như tiếp tục cải thiện các thủ tục về ODA.

Trong thời gian diễn ra hội nghị, các nhà tài trợ cũng đã thực hiện một số chuyến đi tìm hiểu thực tiễn sử dụng nguồn vốn ODA tại tỉnh Hà Tĩnh, tập trung vào các lĩnh vực y tế, cơ sở hạ tầng cho khu vực nông thôn và miền núi. Tại Hội nghị chính thức Nhóm tư vấn các nhà tài trợ diễn ra vào tháng 12 năm ngoái, cộng đồng các nhà tài trợ đã cam kết hỗ trợ mạnh mẽ cho sự phát triển của Việt Nam với mức hỗ trợ ODA là 7,905 tỷ USD.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước