Việt Nam - điểm "nóng" của nạn buôn lậu sừng tê giác

Xuân Hảo-Chủ nhật, ngày 19/05/2013 10:24 GMT+7

 Việt Nam vốn không phải là nước có nhiều tê giác và hiện nay cũng không còn con tê giác nào ở Việt Nam. Thế nhưng, nước ta được xem là một trong những điểm đến quan trọng của nạn buôn lậu sừng tê giác.

Theo số liệu từ cơ quan thực thi Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES), lượng sừng tê giác được đưa vào Việt Nam liên tục tăng từ năm 2009 tới nay.

‘ Sừng tê giác là mặt hàng thuộc diện nghiêm cấm xuất nhập khẩu. (Ảnh minh họa)

Ngày 4/5 vừa qua, Chi Cục Hải quan TP.HCM đã bắt giữ gần 7,3 kg sừng tê giác tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Đây là một trong những vụ bắt giữ sừng tê giác lớn nhất từ trước tới nay. Cùng ngày, tại sân bay Nội Bài, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường cũng đã bắt giữ 2 vụ vận chuyển sừng tê giác trái phép trên cùng 1 chuyến bay, với tổng trọng lượng hơn 2kg.

Đại tá Nguyễn Sỹ, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Bộ Công an, cho biết: “2 vụ vận chuyển sừng tê giác vừa qua, chứng tỏ các đối tượng rất chuyên nghiệp và có những thủ đoạn vô cùng tinh vi. Đồng thời, theo tôi, các đối tượng này đã nghiên cứu rất kỹ quy luật hoạt động của các cơ quan chức năng, do đó chúng đã chọn thời điểm các chuyến bay vào cuối tuần, đông khách để vận chuyển. Tôi nghĩ, vụ ở sân bay Nội Bài mới là chuyên nghiệp và tinh vi nhất, khi đối tượng buôn bán đã cắt sừng tê giác ra từng miếng và quấn nhiều lớp bằng giấy bóng, giấu trong người, giấu trong hành lý để hải quan không phát hiện được”.

Với những thủ đoạn ngày càng tinh vi của các đối tượng buôn bán sừng tê giác trái phép, Đại tá Nguyễn Sỹ cho rằng, số vụ buôn lậu và vận chuyển trái phép sừng tê giác bị các lực lượng chức năng phát hiện chiếm chưa đến một nửa so với số vụ diễn ra trên thực tế.

Nguồn sừng tê giác bị săn trộm trên thế giới chủ yếu từ Nam Phi, nơi sinh sống của 90% các loài tê giác. Theo số liệu của cơ quan quản lý thực thi Công ước quốc tế về buôn bán động, thực vật hoang dã nguy cấp tại Việt Nam, từ năm 2004 tới nay có 14 vụ buôn lậu sừng tê giác bị phát hiện và bắt giữ. Và người Việt Nam cũng tham gia đông nhất vào các vụ săn trộm và buôn lậu sừng tê giác ở Nam Phi.

“Năm 2011, một tướng Cảnh sát của Nam Phi sang làm việc tại Việt Nam cho hay, những người buôn bán sừng tê giác tại Nam Phi bắt được trong đó có tới 80% là người Việt Nam. Có thể pháp luật về vấn đề này ở nước ta vẫn còn đang nhẹ, cho nên người Việt Nam mới tham gia buôn bán sừng tê giác nhiều hơn so với các nước khác”, Đại tá Nguyễn Sỹ cho biết thêm.

Hiện nay, tại Nam Phi, loài tê giác đang đứng trước nguy cơ bị tận diệt, do số vụ săn trộm gia tăng một cách chóng mặt bất chấp các nỗ lực bảo tồn. Còn tại Việt Nam, một bộ xương tê giác được tìm thấy vào cuối tháng 4/2010 với chiếc sừng bị cưa đứt trong vườn quốc gia Cát Tiên cũng được xem là con tê giác cuối cùng ở nước ta.

Việc giết hại tê giác, dù là ở Việt Nam hay là ở Nam Phi, mục đích không gì khác là để lấy đi chiếc sừng của loài động vật quí hiếm này. Bởi ở các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam - nơi mà việc chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền vẫn còn rất phổ biến, nhiều người có một niềm tin khó suy chuyển là sừng tê giác có khả năng chữa bệnh, thậm chí với một số bệnh hiểm nghèo như bệnh ung thư.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước