Tuy nhiên, sự đa dạng trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu, gia tăng dân số, đô thị hóa và biến đổi khí hậu… Bởi vậy, việc bảo tồn và sử dụng nguồn gen hiệu quả là một trong những mục tiêu quan trọng. Đây cũng là nội dung chính được tập trung thảo luận tại Hội nghị toàn quốc về Quỹ gen 2001-2013 vừa diễn ra sáng 3/12 tại Hà Nội.
Trong hơn 10 năm qua, các bộ, ngành đã thu thập được gần 9.000 nguồn gen cây trồng nông nghiệp, gần 3000 chủng vi sinh vật, 55 giống vật nuôi… có những giống được khai thác thành hàng hóa và có thương hiệu như Cừu Phan Rang, Ngựa bạch, gà HMông, 23 giống được đưa vào danh sách được phép kinh doanh và sản xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Công tác bảo tồn lưu trữ nguồn gen được tiến hành với các hình thức: bảo tồn tại chỗ trong điều kiện tự nhiên nơi phát sinh nguồn gen và bảo tồn chuyển chỗ.
Tại hội nghị này, các đại biểu cũng tập trung thảo luận một nội dung quan trọng về “Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen, định hướng chiến lược các nhiệm vụ quỹ gen trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030”.
Những nội dung cụ thể được triển trong thời gian tới, đó là đẩy mạnh việc áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa nguồn gen. Việc đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động bảo tồn nguồn gen cũng sẽ được chú trọng. Đối với các nguồn gen có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế sẽ được bổ sung vào bộ giống quốc gia. Đặc biệt, các cơ quan quản lý sẽ đẩy nhanh việc khai thác và phát triển các nguồn gen thành sản phẩm thương mại, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng nội địa.