“Việt Nam mua tàu ngầm Kilo chỉ để bảo vệ thềm lục địa”

Ngọc Hà-Thứ bảy, ngày 08/06/2013 21:55 GMT+7

Đây là khẳng định của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh tại Đối thoại Shangri-La năm ngoái và thông điệp này tiếp tục được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta khẳng định trong thời gian gần đây.

Với chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ, Việt Nam đang từng bước hiện đại hóa quân đội, nhất là lực lượng hải quân và không quân, nhưng cũng đang nỗ lực cùng với các nước xây dựng lòng tin chiến lược để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Là một quốc gia biển, nhưng mãi đến gần đây, Việt Nam mới sở hữu chiếc tàu ngầm đầu tiên trong hàng ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước. Con tàu mang tên Hà Nội, là 1 trong số 6 tàu ngầm mà Việt Nam mua trong lộ trình hiện đại hóa quân đội. Trước đó là tàu Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ, hai tàu hộ vệ tên lửa hiện đại bậc nhất.

Cùng với đó là những vũ khí hiện đại khác như tổ hợp tên lửa phòng không, máy bay chiến đấu đa năng hiện đại nhất. Những vũ khí, khí tài này chỉ để phòng thủ và tự vệ nhằm bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của đất nước.

TS. Nguyễn Ngọc Trường, Nhà nghiên cứu các vấn đề quốc tế cho rằng: “Khu vực châu Á đang chứng kiến hai quá trình: Một là chạy đua vũ trang của các nước lớn và hiện đại hóa quân sự của các nước vừa và nhỏ.Việt Nam đang thực hiện hiện đại hóa quân sự ở các nước vừa và nhỏ và những việc làm của Việt Nam là phù hợp với chính sách hòa bình, phù hợp với một nhà nước yêu chuộng hòa bình và phù hợp với chiến lược hòa bình của Việt Nam. Chúng thực hiện chiến lược phòng ngự và chống tiếp cận, tức là chúng ta phòng ngự trên đất liền ven biển của chúng ta, chứ chúng ta không thực hiện vươn ra khỏi 1 triệu km2 bờ biển của Việt Nam”.

‘ Tàu ngầm Hà Nội lớp Kilo do Nga chế tạo. Ảnh: Giáo dục

Từ góc nhìn của một sử gia, ông Dương Trung Quốc phân tích, do vị trí địa chính trị hết sức trọng yếu, cho nên lịch sử mấy ngàn năm nước ta đều phải chống lại các đạo quân xâm lược từ hướng biển. Gần đây nhất là thế kỷ XX thì có tới một nửa thời gian, người Việt Nam phải đối phó với những cuộc chiến tranh xâm lược liên miên để thực hiện một mục tiêu duy nhất là bảo vệ nền độc lập của dân tộc, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

“Việc mua sắm vũ khí tôi cho rất là bình thường, nếu đặt lên bàn cân thì thực ra với tiềm lực kinh tế của chúng ta, số vũ khí ấy rất là nhỏ bé. Hơn nữa, quốc gia nào cũng phải chuẩn bị thế chủ động cho mình để bảo vệ chủ quyền của mình và những vũ khí được công bố hoàn toàn là những vũ khí phòng thủ, phù hợp với hoàn cảnh địa lý của chúng ta. Thí dụ, chúng ta có bờ biển, chúng ta phải có lực lượng hải quân, chúng ta có phòng thủ để bảo vệ bầu trời, mặt đất của chúng ta. Những cái đó nước nào cũng làm”.

Mặc dù lực lượng không quân, nhất là hải quân của Việt Nam đang được trang bị những vũ khí và khí tài hiện đại nhất, thế nhưng chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam là ba không: Không đồng minh quân sự của nước nào và không để nước ngoài nào đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam. Việt Nam không liên minh với nước này để chống lại nước khác. Chính sách quốc phòng hòa bình và tự vệ này được chứng minh qua việc, ngay trong tuần này, Bộ Quốc phòng Việt Nam đề nghị Bộ Quốc phòng Trung Quốc thực hiện các giải pháp để củng cố lòng tin chiến lược nhằm giải quyết những vấn đề trên biển Đông hiện nay.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước