Đó là chủ đề chính được bàn luận trong Hội thảo "Thách thức chính sách trong quá trình Việt Nam chuyển sang nền kinh tế có thu nhập trung bình" được Ngân hàng nhà nước và Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) tổ chức hôm 14/3 tại Hà Nội.
Bẫy thu nhập trung bình luôn rình rập tất cả các nước đang phát triển tại châu Á từ Thái Lan đến Philippines, Malaysia, Indonesia… - những nơi chỉ quanh quẩn ở mức thu nhập trung bình từ nhiều năm nay, không vượt lên mức thu nhập cao hơn. Và Việt Nam không phải là ngoại lệ.
Các tham luận cho rằng, tăng trưởng trước đây dựa chủ yếu vào mở cửa thương mại và nguồn nhân lực giá rẻ thay vì dựa trên năng suất và đổi mới. Trong khi đó, hai nhân tố đó mới là yếu tố then chốt cho tăng trưởng bền vững và giúp thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình".
Theo đại diện của IMF, Việt Nam cần tiếp tục mục tiêu tăng trưởng chất lượng thay vì chạy theo số lượng. Đây chính là cách để Việt Nam thoát ra khỏi nguy cơ bị rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Tăng trưởng không thể dựa mãi vào FDI, ODA, tài nguyên thiên nhiên, các dự án lớn, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản… nguồn lực thực sự cho tăng trưởng phải là giá trị do người dân và doanh nghiệp trong nước tạo ra.
Cũng theo các chuyên gia, để đạt được mức thu nhập cao hơn cần phải có nỗ lực chính sách mạnh mẽ nhằm tăng cường năng lực cho khu vực tư nhân.