VN có vượt qua “bẫy thu nhập trung bình”?

Thái Bảo-Thứ năm, ngày 22/03/2012 12:00 GMT+7

Đối với nền kinh tế Việt Nam, thách thức từ “bẫy thu nhập trung bình” là rất rõ ràng, khi nguồn nhân lực giá rẻ có thể sẽ không còn là một lợi thế trong tương lai...

Khái niệm "bẫy thu nhập trung bình" gần đây được sử dụng rộng rãi, để nói về việc một nền kinh tế vượt qua ngưỡng thu nhập bình quân 1000 USD/người/năm, nhưng vì nhiều lý do sẽ khó có thể đạt được mức thu nhập cao hơn nữa. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận vấn đề rõ hơn qua phỏng vấn của PV Bản tin Tài chính kinh doanh với Trưởng đại diện IMF tại Việt Nam, ông Sanjay Kalra.

Ông nhận định gì về đặc điểm của tăng trưởng kinh tế Việt Nam và liệu bẫy thu nhập trung bình có thể là mối đe dọa đối với nền kinh tế?
Ông Sanjay Kalra, Trưởng đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam: Theo quan sát của tôi, Việt Nam đạt thu nhập trung bình chủ yếu thông qua xuất khoáng sản, nguyên liệu vật liệu dưới dạng thô, hay với mức độ gia công rất thấp. Thêm vào đó là mở cửa thương mại (ODA, FDI, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản).
Đặc điểm thứ hai của bẫy thu nhập trung bình Việt Nam là nguyên nhân của tính cạnh tranh thấp. Công nghiệp Việt Nam có tính cạnh tranh thấp, giá thành sản xuất-chế biến của Việt Nam cao hơn so với khu vực, chủ yếu do hiệu quả sử dụng đồng vốn chưa cao.
Một lợi thế của nền kinh tế Việt Nam hiện nay là lực lượng lao động giá thấp, nhưng với việc trở thành quốc gia thu nhập trung bình, điều này rất có thể sẽ không còn là lợi thế nữa. Vậy Việt Nam sẽ cần tập trung vào điều gì để hướng tới trở thành nền kinh tế có thu nhập cao hơn?
Ông Sanjay Kalra: Theo tôi Việt Nam có nhiều lợi thế để tăng thu nhập, có dân số trẻ và yêu lao động. Các bạn cũng nằm trong một khu vực năng động và có tốc độ phát triển cao.
Nhưng các bạn không thể dựa mãi vào lắp ráp giản đơn với lao động kỹ năng thấp. Vì các ngành công nghiệp sẽ rời khỏi Việt Nam khi mức lương tăng lên và hội nhập sâu rộng hơn. Khả năng vướng bẫy thu nhập trung bình sẽ cao nếu các bạn không tạo ra được các giá trị trong nước.
Điều Việt Nam cần làm bây giờ là đầu tư mạnh hơn cho nguồn nhân lực, cho giáo dục đào tạo. Để cho năng suất và trình độ của lực lượng lao động được cải thiện. Điều đó sẽ tạo ra động lực cho tăng trưởng.
Tôi cũng cho rằng, Việt Nam cần tăng cường tính hiệu quả của đồng vốn sử dụng. Chúng tôi nhận thấy khu vực doanh nghiệp nhà nước, hệ thống ngân hàng, cũng như lĩnh vực đầu tư công đều có thể nâng cao tính hiệu quả. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của khu vực tư nhân rất đáng ghi nhận, tuy nhiên Chính phủ Việt Nam cần tiếp tục tạo thêm những điều kiện thuận lợi để khu vực này đóng góp nhiều hơn nữa cho tăng trưởng kinh tế.
Tin liên quan:

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước