Doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu cũng đang loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm. Ảnh: Dân Việt
Ao cá tra của ông Lê Thanh Dung tại huyện Cái Bè, Tiền Giang đã quá vụ thu hoạch 1 tháng nhưng vẫn chưa thể bán được vì doanh nghiệp thu mua thiếu vốn. Với mức giá hiện tại, ông Dung đang lỗ 4.000 đồng/kg, điều này cũng có nghĩa ông sẽ bị lỗ tổng cộng 800 triệu đồng cho 200 tấn cá. Khoản lỗ cứ phình to hơn khi cá càng quá lứa càng mất giá trong khi mỗi ngày, riêng tiền thức ăn nuôi cá, ông Dung phải chi đến 40 triệu đồng.
“Mức giá thu mua 19.000 đến 20.000 đồng/kg thì nông dân lỗ khoảng 4.000 đồng, 100 tấn cá thì lỗ 400 triệu đồng, trong khi phải gánh thêm nợ ngân hàng, nếu ao thuê mướn thì nó còn lỗ cao hơn”, ông Lê Thanh Dung nhẩm tính.
Theo thống kê ban đầu, hiện có gần 40% tổng diện tích nuôi cá tra tại các tỉnh ĐBSCL đang treo ao, nghĩa là bỏ nuôi cá vì không hiệu quả, 50% số doanh nghiệp xuất khẩu cá tra tại đây đang hoạt động cầm chừng do thiếu vốn. Để giải phóng hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp đã phải hạ giá xuất khẩu, từ đó ép giảm mạnh giá mua cá tra đầu vào.
“Vòng quay ngân hàng tới hạn cho nên doanh nghiệp cần bán cá để lấy tiền về. Một số đưa ra giá cả không phù hợp, cho nên kéo theo giá cá đầu vào thấp”, ông Nguyễn Văn Đạo, Tổng Giám đốc công ty CP Gò Đàng, Tiền Giang cho biết.
Khó khăn của cả người nuôi và doanh nghiệp đều xuất phát từ thiếu vốn. Do đó, chu trình sản xuất - xuất khẩu chỉ hoạt động bình thường trở lại khi doanh nghiệp vay được vốn ưu đãi để thu mua cá từ nông dân.
“Hiện, cả người nuôi và doanh nghiệp rất cần nguồn vốn để duy trì và phát triển, chúng tôi cũng đồng kiến nghị nhà nước cần hỗ trợ nông dân để họ duy trì vùng nuôi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần vốn để tiếp tục thu mua, vì vậy chúng ta cũng cần hỗ trợ họ lãi suất, theo tôi kiến nghị là dưới 10% để họ thu mua lượng cá còn lại trong dân”, bà Mai Ánh Tuyết, Giám đốc sở Công thương An Giang kiến nghị.
Ngay sau khi Chính phủ có chủ trương dành 20.000 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất 0%, Ngân hàng Nhà nước cho biết đã sẵn sàng nguồn vốn. Tuy nhiên, phải đến 1 tháng sau, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mới có tờ trình về các điều kiện cụ thể được nhận hỗ trợ. Chủ trương đúng đắn nhưng chậm một ngày là những người nông dân thêm mắc cạn.
Hơn lúc nào hết, nông dân và nhà máy chế biến cá tra ở ĐBSCL đang rất mong chờ gói hỗ trợ mà Bộ NN&PTNT đang trình lên Chính phủ. Có như vậy, những ao cá của nông dân mới không bị bỏ hoang, các nhà máy chế biến có đủ vốn để nâng giá thu mua, giúp phục hồi ngành nuôi trồng và chế biến cá tra vốn đang gặp khó.