Trong đó, nguồn vốn ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ và xổ số kiến thiết đã cắt giảm là trên 9,45 nghìn tỷ đồng.
Như vậy, số vốn đầu tư công có nguồn gốc trực tiếp từ ngân sách bị cắt giảm đã tăng trên 1,1 nghìn tỷ đồng so với con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo cách đây 3 tháng.
Vẫn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số vốn cắt giảm nói trên được điều chuyển cho các dự án sắp hoàn thành, cấp bách cần đẩy nhanh tiến độ và nhờ đó, số dự án hoàn thành trong năm nay đã tăng trên 1 nghìn dự án. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, thì con số trên 81,5 nghìn tỷ đồng vốn cắt giảm mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố nói trên không mấy thực chất và chủ yếu là cắt từ giảm những dự án triển khai bằng nguồn vốn tạm ứng trước.
Trong khi đó, sự dàn trải, kém hiệu quả của đầu tư công hiện ngày càng nổi lên như là một trong những nguyên nhân chính gây ra lạm phát cho nền kinh tế vào lúc này. Do vậy, nhiều chuyên gia kinh tế hiện có đề xuất, đã đến lúc cần có sự tổng kiểm tra lại một lần nữa các dự án đầu tư công ở các bộ, ngành, địa phương và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, kiên quyết cắt giảm một lần nữa các dự án chưa thực sự cấp thiết, qua đó giảm thêm nguồn vốn đầu tư của khu vực kinh tế nhà nước và ngân sách.