Tại tòa, các luật sư bảo vệ cho các
bị cáo đã thể hiện quan điểm khác nhau như: chưa làm rõ các yếu tố cấu thành tội phạm, ụ nổi 83M không phải là tàu biển nên không thể áp dụng các quy định của pháp luật về xuất khẩu, nhập khẩu và đăng kiểm như đối với tàu biển, đề nghị của Viện Kiểm sát về hình phạt đối với các bị cáo là không thỏa đáng, không đúng pháp luật.
Các luật sư bào chữa cũng đã nêu các căn cứ bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho các bị cáo cũng như quan điểm xử lý với các bị cáo. Tuy nhiên, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại Tòa đã viện dẫn nhiều văn bản, tờ trình, báo cáo, hồ sơ pháp lý của Vinalines đã từng gọi ụ nổi là tàu biển... đồng thời đã dẫn ra hàng loạt những quy định, tiêu chuẩn, văn bản pháp lý để chứng minh ụ nổi cũng phải chịu sự “quản lý tương tự” như tàu biển.
‘ Bị cáo Dương Chí Dũng tại Tòa. Ảnh: VnE
Về số tiền tham ô hơn 28 tỷ đồng, Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội khẳng định, căn cứ vào hồ sơ, chứng cứ tài liệu đã thu thập được, cùng lời khai của các nhân chứng, có đủ cơ sở để chứng minh đây là số tiền nằm trong khoản 9 triệu USD mà Vinalines đã thanh toán mua ụ nổi 83M cho Công ty AP Singapore, sau đó công ty này đã trích ra để chia cho Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc, Trần Hải Sơn và Trần Hữu Chiều. Đến thời điểm này, mức thiệt hại từ ụ nổi 83M đã lên tới hơn 500 tỷ đồng.
Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội cũng khẳng định: Ba công chức hải quan đã cố ý làm trái các quy định của ngành, vì chức năng của hải quan là ngăn cản các hàng hóa không đủ chất lượng, không đảm bảo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế xâm nhập vào Việt Nam.
Trên cơ sở đánh giá tính chất hành vi phạm tội của từng bị cáo, đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa khẳng định, mức án đề nghị đối với các bị cáo là đúng theo khung hình phạt. Hội đồng xét xử điều khiển phần tranh tụng tại phiên tòa dân chủ, khách quan theo đúng tinh thần cải cách tư pháp.
Chiều nay, sau khi các bị cáo nói lời sau cùng, Tòa đã tạm nghỉ để nghị án. Dự kiến, Tòa sẽ tuyên án vào chiều 16/12.