Ông Vũ Kỳ và Bác Hồ tháng 9/1960. Ảnh tư liệu
Một phần tư thế kỷ làm người giúp việc kiên trung, tận tụy, Bác Hồ đã trìu mến gọi ông là "chú tiểu đồng". Ông đã được Nhà nước trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh - sống trọn tuổi trời và sống trọn con đường hoạt động cách mạng.
Trong dòng người ghé thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh hôm nay, có một người khách quen đặc biệt. Bà là 1 trong 4 cán bộ nữ đầu tiên của Bảo tàng và cũng là người được bác Vũ Kỳ dìu dắt, hướng dẫn tận tình. Bà nói rằng: Cho phép mình được gọi người thủ trưởng đầu tiên của Bảo tàng Hồ Chí Minh là Bác. Bởi sự dung dị và đức hi sinh của ông đã khiến các thế hệ cán bộ bảo tàng luôn có cảm giác rất đỗi thân thương và kính trọng.
Bà Nguyễn Thị Minh Hương, Nguyên Cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh kể: “Những năm tháng đầu, Bác Kỳ rất băn khoăn trăn trở vì có nhiều tài liệu chưa viết đúng, hoặc viết sai, có khi lại thần thánh Bác. Bác bảo: "Thế này các thế hệ sau chỉ biết được trên những tài liệu thiếu chính xác này thì sao. Sẽ rất khó học tập tấm gương Bác Hồ. Bác đã mời các nhà xuất bản đến để làm việc và các địa phương khi xuất bản sách về Bác Hồ đều gửi đến để bác Kỳ xem qua. Khi làm việc, Bác luôn căn dặn chúng tôi chú ý xem vấn đề người ta nêu ra có đúng không, logic không, có tác dụng giáo dục không? Nếu không thì không nên đưa vào”.
Bảo tàng Hồ Chí Minh - nơi lưu giữ và trưng bày những tài liệu, hiện vật liên quan đến Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng là nơi Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng dành trọn công sức nửa sau cuộc đời của mình để chăm lo cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy di sản tư tưởng, văn hóa, đạo đức Hồ Chí Minh. Sau khi Bác Hồ qua đời, những trang tiếp theo của cuộc đời ông gắn liền với quá trình xây dựng Lăng Bác, của hệ thống di tích lưu niệm và các bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh trong cả nước, từ Pắc Bó đến các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và một số di tích của Người trên thế giới. Cho đến những năm cuối cùng của cuộc đời mình, điều mà ông trăn trở, lo lắng nhất vẫn là làm sao để chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận.
PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (1997-2007) phát biểu: “Tôi thấy đồng chí có tầm nhìn xa trong công tác cán bộ mà không phải người thủ trưởng nào cũng có. Ngay sau khi Bác Hồ qua đời, đồng chí đã nghĩ đến việc phối hợp với các Bảo tàng của Nga, cử cán bộ sang học tập, rồi mời họ sang giúp cho mình. Nguồn rất quan trọng là xin những cán bộ có trình độ, kinh ngiệm về Bảo tàng Hồ Chí Minh. Bản thân tôi lúc đó cũng đang học ở ĐH Tổng hợp cũng được xin về đây. Ngoài ra, ngay tại Bảo tàng, nếu cán bộ nào chưa có kiến thức về Bảo tàng sẽ được tham gia lớp học về Bảo tàng, ai chưa có kiến thức về ngoại ngữ cũng được cử đi đào tạo. Nhờ vậy, đã có 1 đội ngũ làm việc hăng say lắm, không kể ngày đêm, chỉ biết xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh”.
Rất nhiều thế hệ cán bộ bảo tàng hôm nay đã tề tựu về đây để tưởng nhớ người mà họ vẫn xem là "Giám đốc đặc biệt nhất". Ngày cắt băng khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, 19/5/1990, cũng là ngày ông xin nghỉ cương vị Giám đốc. Lúc đó, ông đã chia sẻ: Nguyện ước của ông nay đã hoàn thành. Ông phải trở về Khu di tích, về nơi mà suốt mấy chục năm ông được ở bên Người. Ông lại tiếp tục công việc của mình, nghiên cứu, biên tập, ghi chép những tài liệu, những mẩu chuyện về Bác...
Nhà Sử học Dương Trung Quốc: “Nói đến Vũ Kỳ, chúng ta cảm thấy sự gần gũi của con người này với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nói đến Vũ Kỳ, tôi hay liên tưởng đến một mong muốn của Bác Hồ. Đối với những người cán bộ của mình: Là công bộc cho dân, tức là những người tận tụy cho công việc mình được giao, cho phận sự của mình. Và coi đó là hoàn thành trách nhiệm của mình đối với xã hội. Vũ Kỳ là người gắn bó với Bác như là 1 thư ký suốt từ những ngày đầu cách mạng tháng Tám mới thành công đến ngày Bác Hồ ra đi. Cả chặng đường dài ấy, con người gần gũi với Bác có thể học hỏi, ghi chép và kí ức được - tất cả những cái đó là di sản quý báu không chỉ với Vũ Kỳ, mà với cả xã hội”.
Mùa xuân năm 2001, khi bước vào tuổi 80, ông Vũ Kỳ nói vui với mọi người đến chúc Tết: "Đêm qua tôi lại nằm mơ thấy Bác Hồ, Bác bảo tôi liệu mà thu xếp về với Bác...". Rồi ông nhắc cán bộ Bảo tàng Hồ Chí Minh tranh thủ hỏi, tranh thủ khai thác tài liệu. Giữa những ngày tháng Tư lịch sử, người thư ký tận tụy, trung thành đã lên đường về với Bác. Ra đi ông vẫn đau đáu một nỗi niềm: “Còn nhiều điều chưa kịp viết hết, chưa kịp kể hết những câu chuyện về Bác Hồ kính yêu".