Sau hơn ba năm triển khai, đại diện các thành phố đều khẳng định, việc thực hiện thành phố không khói thuốc đã ngày càng thu hút khách du lịch.
Tại phố cổ Hội An, Quảng Nam, những biển cầm hút thuốc lá hay không được hút thuốc lá được đặt tại tất cả các điểm du lịch, di tích và tại một số nhà hàng, khách sạn. Khó có thể nhìn thấy một người hút thuốc hay một mẩu thuốc lá trên đường. Mỗi người dân Hội An đều ý thức được trách nhiệm và việc xây dựng thành phố không khói thuốc.
Tuy nhiên, việc các nhà hàng, khách sạn lo lắng việc cấm hút thuốc tại một số khu vực trong khách sạn sẽ ảnh hưởng tới lượng khách du lịch.
Đại diện Thành phố Hội An cho rằng, việc xây dựng môi trường không khói thuốc lá là tiêu chí quan trọng để Hội An trở thành “thành phố sinh thái” hấp dẫn khách du lịch.
Kinh nghiệm tại các nước sau khi triển khai du lịch không khói thuốc cho thấy: tại New York sau một năm thực thi, số lượng khách du lịch từ gần 40 triệu đã tăng lên hơn 54 triệu người; còn tại Thổ Nhĩ Kỳ từ 15 triệu đã tăng lên 35 triệu khách du lịch. Tại hội thảo chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng thành phố không khói thuốc, các ý kiến cho rằng, khó khăn nhất hiện nay là khách du lịch nội địa và vấn đề xử phạt khi họ hút thuốc tại nơi công cộng.
Hiện Việt Nam nằm trong nhóm 15 nước có số người hút thuốc lá nhiều nhất thế giới, trong 20 năm sản lượng tiêu thụ thuốc lá tăng gấp 2 lần. Năm 2012, người dân Việt Nam đã tiêu tốn một số tiền khổng lồ lên tới hơn 22.000 tỉ đồng để mua thuốc lá. Hàng năm tại Việt Nam có khoảng 40.000 ca tử vong do mắc các bệnh có liên quan đến thuốc lá. Vì vậy, việc xây dựng thành công thành phố không khói thuốc sẽ góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ hút thuốc và thuốc thụ động trong tương lai.