Xây khu kinh tế ven biển - Hạt nhân của các vùng

TTXVN-Thứ năm, ngày 09/06/2011 08:58 GMT+7

Trong khuôn khổ Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2011, ngày 8/6, tại TP.Nha Trang (Khánh Hòa), Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài tổ chức diễn đàn với chủ đề: “Động lực và những thách thức cho sự phát triển của các khu kinh tế ven biển Việt Nam”.

Chương trình nghị sự này đã thu hút trên 100 đại biểu là các nhà quản lý, hoạch định chính sách trung ương, cơ quan nghiên cứu và đại diện nhiều doanh nghiệp, các nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng như Nhật, Liên minh châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc.

Theo “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020,” Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, đồng thời bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo.

Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế biển đóng góp 53-55% GDP, 55-60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Trong đó, việc xây dựng các trung tâm kinh tế lớn vùng duyên hải mà hạt nhân là các khu kinh tế ven biển, nhằm tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội cho cả vùng.

Nhiều tham luận tại diễn đàn cho biết, kể từ khi khu kinh tế ven biển đầu tiên là Chu Lai được thành lập năm 2003, đến nay, cả nước đã hình thành 15 khu kinh tế ven biển, tổng diện tích mặt đất và mặt biển của số khu kinh tế này lên đến hơn 662.000ha.

Hầu hết số khu kinh tế này đều trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, tổng số vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trong 15 khu kinh tế này đạt gần 170.000 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư nước ngoài chiếm hơn 75%.

Tại một số khu kinh tế đã có nhiều dự án hoạt động, bước đầu thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, đào tạo nguồn nhân lực, giải quyết việc làm tại địa phương.

Theo Giáo sư Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thời gian gần đây, mỗi năm Việt Nam có khoảng 20-30 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư từ nước ngoài (FDI). Vì vậy, cần phải đề ra các giải pháp hữu hiệu để thu hút nguồn vốn này vào các lĩnh vực kinh tế biển.

Phó Vụ trưởng Vụ quản lý các khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Trần Duy Đông cho rằng, Việt Nam cần nghiên cứu, điều chỉnh hoạt động của các khu kinh tế gắn với chuyên môn hóa một số ngành nghề, lĩnh vực là lợi thế; ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để tạo bước đột phá phát triển ở một số khu kinh tế, tránh gây nên sự cạnh tranh giữa các khu kinh tế.

Nhiều tham luận cũng đưa một số vấn đề được xem là “thách thức” đối với các khu kinh tế ven biển hiện nay như nguồn nhân lực có kỹ thuật cao để cung cấp cho các khu kinh tế vẫn chưa được đáp ứng...

Diễn đàn cũng tham khảo một số kết quả về phát triển kinh tế biển của Thành phố Hồ Chí Minh, kinh nghiệm phát triển kinh tế biển từ khu kinh tế Vân Phong (Khánh Hòa).

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước