Xe bus Hà Nội ngày càng trở nên kém hấp dẫn

Minh Đức-Thứ ba, ngày 15/10/2019 14:43 GMT+7

VTV.vn - Do nhiều điểm chờ xe bus chưa có mái che - chỗ ngồi, thường xuyên bị di chuyển, thu hồi, xe bị chậm tuyến... đã khiến xe bus kém hấp dẫn với hành khách.

Hà Nội đặt mục tiêu đến 2020 sẽ đưa thị phần vận tải xe bus lên 20%, nhưng tới thời điểm này, xe bus mới chỉ chiếm khoảng 12,2% nhu cầu vận tải hành khách. Tuy nhiên theo số liệu của Transerco, sau gần 15 năm liên tục tăng, từ 2015 tới nay, sản lượng vận chuyển hành khách bằng xe bus của Hà Nội đang có dấu hiệu chững lại, thậm chí, một số thời điểm còn sụt giảm. Dù số tuyến xe bus đang tiếp tục được mở rộng thêm, nhưng 6 tháng đầu năm, tăng trưởng hành khách của toàn mạng lưới chưa đến 1% so với cùng kỳ năm 2018.

Dù sinh viên, học sinh và người đi làm các tuyến cố định vẫn lựa chọn xe bus là phương tiện di chuyển sinh, nhưng có thể thấy sức hấp dẫn của xe bus đang ngày càng giảm sút. Một trong những nguyên nhân là tốc độ trung bình xe chạy ngày càng giảm, do các tuyến đường thành phố thường xuyên ùn tắc, mật độ phương tiện cao, tốc độ bình quân xe bus Hà Nội chỉ còn dưới 20 km/h.

6 tháng đầu năm, tỷ lệ xe bus chậm chuyến (từ 10 - 20 phút/lượt) lên tới 50 - 60% tổng số chuyến, dẫn đến biểu đồ chạy xe bị phá vỡ, thời gian chuyến đi kéo dài, tính hấp dẫn bị giảm đi rõ rệt. Mỗi năm có khoảng 180.000 lượt xe bus bỏ chuyến, quay đầu, huỷ cung cấp dịch vụ. Thái độ nhân viên phục vụ cũng là một điểm trừ của xe bus Hà Nội. Xe bus thường xuyên chạy ẩu, chạy nhanh kịp giờ về bến.

Một nguyên nhân khác là các điểm chờ xe bus thường không có mái che hay chỗ ngồi. Những hôm mưa, nắng, người chờ xe bus thấy rất bất tiện. Thực tế, trong hơn 3.000 nhà chờ trên mạng lưới tuyến xe bus, số nhà chờ có mái che chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa kể các nhà chờ xe bus thường xuyên bị di chuyển, bị xâm phạm hay thu hồi.

Hà Nội đã tìm cách giảm tải áp lực phương tiện cá nhân thông qua việc đầu tư, phát triển các phương tiện vận tải công cộng khối lượng lớn như đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội, tuyến bus nhanh BRT số 1. Tuy nhiên, tuyến bus nhanh BRT sau 3 năm hoạt động đã không đạt hiệu quả như kỳ vọng, trong khi tuyến Cát Linh - Hà Đông dự kiến cuối năm nay mới có thể đi vào hoạt động, tuyến Nhổn - ga Hà Nội theo tiến độ lần 2 thì cuối năm 2022 mới có thể vận hành. Vì vậy mà sự kết nội mạng lưới giao thông đô thị chưa tỏ rõ được sự tiện lợi của mình và kém hấp dẫn hành khách.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước