Theo thông tin từ Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, trong giai đoạn 2020 - 2030, Hà Nội sẽ có các loại hình vận tải hành khách công cộng có sức chứa lớn như: 8 tuyến BRT, 9 tuyến đường sắt đô thị (trong vành đai 4). Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng đối với 2 tuyến đường sắt và 1 tuyến BRT khi khai thác cực đại chỉ ở mức 4 - 5%. Như vậy, khối lượng vận chuyển bằng phương tiện công cộng còn lại vẫn sẽ do xe bus đảm nhận, phải ở mức 15-20%.
Các chuyên gia giao thông cho biết, sự phát triển của vận tải hành khách công cộng bằng xe bus trong tương lai cần đảm bảo ưu tiên chất lượng dịch vụ và quản lý bằng kết nối dữ liệu đồng bộ, tích hợp. Ông Nguyễn Thế Bình – Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội khẳng định vai trò không thể thiếu của xe bus tại Hà Nội trong ít nhất 15 - 20 năm nữa. Ông Bình cho hay, xe bus hiện đã bao trùm 100% các quận, huyện; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu.
Hà Nội hiện nay có gần 2.000 xe bus, 326 điểm dừng xe bus, 361 nhà chờ, 5 điểm trung chuyển, trên 4.000 lái xe và nhân viên bán vé. Tuy nhiên, thực lượng khai thác của xe bus Hà Nội cũng bị ảnh nghiêm trọng bởi ùn tắc giao thông. Theo thống kê của Trung tâm Quản lý điều hành giao thông đô thị Hà Nội, có đến 180 nghìn lượt bỏ chuyến, quay đầu và bị điều chỉnh do tắc đường trong năm 2018, chiếm 3,5% khối lượng phục vụ. Tuy nhiên, xe bus sẽ vẫn là phương tiện vận tải hành khách chủ đạo của Hà Nội trong tương lai và sẽ có những chính sách hỗ trợ thoả đáng cho loại hình này.
Ông Vũ Văn Viện - Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, với hoạt động vận tải hành khách công cộng, đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe bus đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.
Bên cạnh đó, hoạt động vận tải công cộng được nâng cao về chất lượng dịch vụ; mạng lưới xe bus được mở rộng, đáp ứng 15,7% nhu cầu đi lại của người dân. Đến hết năm 2019, dự kiến hệ thống xe bus đáp ứng khoảng 17,3% và vào năm 2020 tỷ lệ này đạt khoảng 20% đến 21%.
Về giải pháp để nâng cao tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đến năm 2020 đạt từ 20%-25%, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, Thành phố đã đưa ra một số giải pháp đồng bộ tập trung sẽ thực hiện được mục tiêu đã đề ra như: Rà soát hoàn thiện đề án nâng tỷ lệ khách xe bus; hoàn thiện cơ chế chính sách thu hút đầu tư vận tải hành khách công cộng; tăng cường kết nối phát triển mạng lưới vận tải hành khách công cộng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!