Căn cứ vào kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội tại một số bãi trông, giữ xe và một số thông tin do các cơ quan báo chí nêu về những vi phạm của những điểm trông, giữ xe, UBND TP Hà Nội yêu cầu các ngành chức năng quản lý dịch vụ trông giữ xe trên địa bàn gồm: Tài chính, Giao thông vận tải, Thuế, Công an tăng cường quản lý các điểm trông giữ xe, xử phạt nghiêm các hành vi sai phạm.
UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Y tế siết chặt quản lý các bãi xe tại bệnh viện, nếu để xảy ra sai phạm trong quá trình kinh doanh dịch vụ trông giữ xe đạp, xe máy, sẽ xử lý nghiêm những cá nhân có liên quan. UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND 4 quận nội thành gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (là 4 quận có nhiều điểm trông giữ xe và có nhiều bãi xe vi phạm) cần tăng cường công tác quản lý hoạt động tại các điểm trông giữ xe; tổ chức kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm những hành vi sai phạm.
Như Báo Hànộimới (số ra ngày 26-5) đã phản ánh, căn cứ vào kết quả của đoàn kiểm tra liên ngành TP Hà Nội, hơn 50% bãi trông, giữ xe được kiểm tra có xảy ra sai phạm như: thu phí quá cao so với quy định, không niêm yết đúng giá quy định, không sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế phát hành…
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã ký văn bản số 3951 yêu cầu các địa phương trên địa bàn thành phố tăng cường quản lý, tổ chức hoạt động quảng cáo rao vặt (QCRV), chỉnh trang đô thị. TP yêu cầu UBND quận, huyện, thị xã chỉ đạo các phường, xã, thị trấn tổ chức lực lượng tiến hành tháo dỡ, xóa biển quảng cáo vi phạm; huy động lực lượng sinh viên, đoàn viên tình nguyện tham gia… Đây được coi là một trong những tiêu chí để đánh giá thi đua ở cấp cơ sở. Với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm, ngoài việc xử phạt hành chính còn có thể bị rút giấy phép kinh doanh hoặc ngừng cung cấp dịch vụ điện thoại…
Nếu để tình trạng QCRV trái phép xảy ra trên địa bàn của đơn vị mình, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn phải chịu trách nhiệm trước UBND quận, huyện, thị xã. Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND TP.