Toàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 120 xã bị ngập nước, kéo theo đó là các hộ dân trong vùng lụt đang thiếu nước uống và nước sinh hoạt. Nước lũ đang rút chậm và nguồn nước này không thể dùng trong sinh hoạt hàng ngày.
Hưng Thông là xã nằm ven đường 12/9 và QL 46, nhưng đến nay vẫn còn hơn 80 % số nhà dân bị ngập sâu hơn nửa mét. Nhiều gia đình có thể nấu ăn được nhờ nguồn nước mưa dự trữ. Tuy nhiên, việc sử dụng lượng nước này liên tục trong 3 ngày qua đã khiến nguồn nước bắt đầu cạn kiệt.
Trước thực trạng đó, ngành Y tế Nghệ An đó tiến hành các biện pháp xử lý nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân vùng lũ, phân bổ, cung cấp hoá chất phèn chua, cloramin B, Aquatabs, hướng dẫn quy trình xử lý, nước uống và sinh hoạt đảm bảo vệ sinh.
Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là nguồn hoá chất dự phòng chỉ có thể đáp ứng được 1/10 nhu cầu của người dân. Vì vậy, tạm thời hoá chất chỉ đủ cung cấp để xử lý nước uống và nấu ăn cho nhân dân vùng lũ là chính.
Theo nhận định của ngành y tế, thời tiết cũng đang có nhiều bất lợi cho người dân vùng lũ vỡ đây sẽ là điều kiện cho một số dịch bệnh phát triển, nhất là tiêu chảy, sốt xuất huyết. Trong những ngày qua, ở một số xã ngập lụt cũng đã có nhiều trường hợp phải cấp cứu tại trạm y tế, đặc biệt tại xã Nam Kim, huyện Nam Đàn, một xã đang bị cô lập có đến 7 trường hợp sốt nghi ngờ sốt xuất huyết, bởi đây đang là ổ dịch sốt xuất huyết từ giữa tháng 9 đến nay.
Cùng với việc tập trung xử lý nguồn nước sinh hoạt, ngành y tế cũng khuyến cáo chính quyền, người dân vùng lũ nước rút đến đâu làm vệ sinh môi trường đến đó, hạn chế tối đã nguy cơ dịch bệnh xảy ra.