Xử phạt vi phạm môi trường chưa đủ sức răn đe

VĐHN-Thứ sáu, ngày 29/07/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hiện nay chế tài xử phạt các hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường vẫn chưa đủ sức răn đe đối với doanh nghiệp. Đó là lý do hành vi này vẫn liên tiếp tái diễn.

Các cuộc kiểm tra liên ngành lại vừa phát hiện thêm nhiều doanh nghiệp sản xuất vi phạm xả thải môi trường. Điển hình nhất là tại các khu công nghiệp ở một số tỉnh miền Trung. Nhiều khu công nghiệp - dù không có nhà máy xử lý nước thải tập trung vẫn đi vào hoạt động. Doanh nghiệp sử dụng công nghệ tân tiến của nước ngoài cũng vi phạm xả thải. Thậm chí, doanh nghiệp xử lý chất thải công nghiệp cũng gây ô nhiễm. Điều đáng nói là nhiều doanh nghiệp, dù đã bị phạt đi phạt lại, thậm chí bị đóng cửa tạm thời, nhưng vẫn ngang nhiên tái phạm.

Để có cái nhìn sâu hơn về tính răn đe của các chế tài xử lý tội phạm môi trường, chương trình Vấn đề hôm nay đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư - Tiến sỹ Trương Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam.

Nói về nguyên nhân cốt lõi của hiện tượng doanh nghiệp vi phạm môi trường ngày càng tăng, ông Trương Mạnh Tiến cho biết: "Từ trước tới nay, chế tài xử phạt các khu công nghiệp xả thải gây ô nhiễm môi trường còn nhẹ nên các doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận xử phạt, từ đó dẫn đến vấn đề này cứ lặp đi lặp lại. Hiện nay, luật mới được thông qua vào năm 2015 sắp được đưa ra áp dụng sẽ xác định rõ hơn về tội phạm môi trường. Có như vậy, tính răn đe mới được đẩy cao. Tập thể cũng như cá nhân đều bị xử phạt, điều đó giúp doanh nghiệp nhận ra rằng việc xử phạt hiện nay đã không còn chỉ đánh vào kinh tế, xử phạt hành chính mà sẽ xử phạt theo các khung của hình sự".

"Tôi rất hoan nghênh, ủng hộ việc Bộ Tài nguyên Môi trường đã xây dựng kế hoạch và có các đoàn đi kiểm tra môi trường nhằm vào tất cả các dự án xả thải trên toàn quốc sắp được diễn ra. Các chất thải khi được chuyển đi phải ký cam kết với đơn vị được phép xử lý đúng chất thải đó, nghiêm cấm tình trạng ký với các đơn vị không đúng chức năng. Tiếp đó, nơi xử lý cũng phải đảm bảo đầy đủ các điều kiện kỹ thuật từ chôn lấp đến lưu trữ, bảo quản và xử lý" - ông Trương Mạnh Tiến nói thêm.

Theo thống kê của Bộ Tài nguyên Môi trường, trong năm ngoái, cơ quan chức năng đã phát hiện và xử lý trên 500 cơ sở công nghiệp vi phạm, gây ô nhiễm môi trường với mức xử phạt trên 26 tỷ đồng - một con số kỉ lục. Kể từ năm ngoái, mức phạt hành chính đã tăng gấp đôi, lên mức tối đa 2 tỉ đối với mỗi vụ vi phạm môi trường của tổ chức hoặc cá nhân. Nhưng sự thật nhiều doanh nghiệp sản xuất sẵn sàng nộp phạt thay vì đầu tư vào hệ thống xử lý chất thải. Điều này cho thấy những bất cập của công tác quản lý xả thải môi trường vẫn còn tồn tại.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước