Ý thức người dân sau hoả hoạn

Phạm Hà-Chủ nhật, ngày 21/03/2010 15:25 GMT+7

Ý thức chưa cao, kỹ năng yếu, hoặc không có. Đó là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy ở chung cư, tòa nhà cao tầng thời gian qua.

Sau hàng loạt vụ hỏa hoạn nghiêm trọng, nhiều người dân trong các ngôi nhà cao tầng giờ đây đã nhận thức được việc mình cần phải học cách PCCC. Dù với nhiều người, bây giờ mới học PCCC chẳng khác nào việc " Mất bò mới lo làm chuồng". Song nó vẫn là điều rất đáng khích lệ, bởi nguy cơ cháy nổ luôn tiềm ẩn, và nó chỉ chờ ý thức kém của người dân là bùng phát.

Tại tầng 4 của một tòa nhà chung cư bị cháy, tình huống giả định trong buổi diễn tập mà Phòng cảnh sát PCCC - công an TP.Hà Nội vừa tổ chức cho lực lượng trong ngành và cả người dân tham gia. Họ tình nguyện đóng vai người bị thương, báo động cho Ban quản lý tòa nhà, gọi cứu hỏa... Còn những người khác trong tòa nhà thì dành thời gian để theo dõi việc chữa cháy. Tất cả nhằm nâng cao kiến thức của mình về vấn đề này.

Anh Nguyễn Đức Trọng, Người dân Tòa nhà 335 Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết: “Lần đầu tiên tôi tham gia PCCC, thấy rất bổ ích. Trước đây mình không để ý, cứ hút thuốc xong thì vứt lung tung. Qua buổi diễn tập này biết cách cấp cứu và cứu chữa”.

Lực lượng phòng cháy cơ sở, tức là những nhân viên bảo vệ của các tòa nhà, các khu dân cư đang được đặc biệt chú trọng về công tác PCCC. Tòa nhà 335 Cầu Giấy có hẳn một đội gần 40 người chuyên kiểm tra, đảm bảo PCCC. Hộp cứu hỏa được bố trí khắp các tầng, và luôn mở cửa để khi có cháy, người dân dễ dàng sử dụng. Cửa xả rác có thêm một bản ghi chú nhắc nhở mọi người về cách phòng chống cháy nổ.

Ông Tô Phương Phi, Trưởng ban PCCC tòa nhà 335 Cầu Giấy: “Trước cửa mỗi căn hộ chúng tôi lắp một đèn báo cháy. Khi có cháy, đèn phát tín hiệu về trung tâm, sẽ báo động cho cả tòa nhà. Chúng tôi đều có các bản cam kết với mỗi gia đình, phải tuân thủ mọi nguyên tắc phòng cháy”.

Một buổi diễn tập về cách xử trí khi có cháy do chính những người dân này đề nghị với Ban quản lý tòa nhà. Học cách dùng khăn ướt bịt mặt, tắt cầu dao, tắt ga khi có cháy, không đột ngột mở cửa và lao ra ngoài... Những kiến thức này đã từng được trao tận tay họ trước đó trong những tài liệu, nhưng họ chỉ cất trong ngăn kéo. Giờ thì họ chủ động học kỹ năng để biết xử lý khi cháy nổ. Đó cũng là việc mà nhiều người nên làm.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước