GLTT cùng ê-kíp sản xuất “Điều ước thứ 7”

VTV Online-Thứ năm, ngày 27/03/2014 05:59 GMT+7

Lên sóng số đầu tiên vào cuối tháng 3/2014, đúng dịp kỷ niệm sinh nhật lần thứ 18 của VTV3, Điều ước thứ 7 đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều khán giả truyền hình. VTV Online đã có buổi GLTT cùng ê-kíp sản xuất để giúp độc giả hiểu rõ hơn về chương trình này!

Điều ước thứ 7 là một chương trình truyền hình thực tế có sức lay động mạnh tới cảm xúc của người xem, khiến người xem hào hứng mong đợi vào mỗi chiều thứ 7 hàng tuần. Xuyên suốt nội dung các số phát sóng của chương trình là câu chuyện, ước mơ của một nhân vật có sức lay động tới tình cảm của người xem, khiến người xem có thể rơi nước mắt và như được sống trong những vui, buồn cùng nhân vật.

Điểm đặc biệt của chương trình chính là ở các tình tiết bất ngờ, lý thú mà nhân vật không hay biết. Bởi thế, những cảm xúc, hành động của nhân vật trước máy quay giấu kín luôn được lột tả chân thật nhất.

‘ Nhà báo Lại Văn Sâm cùng đại diện ê-kíp sản xuất chia sẻ về chương trình “Điều ước thứ 7” trong buổi họp báo

“Khán giả xem chương trình có thể biết ê-kíp đã làm những gì để tạo được bất ngờ cho nhân vật, từ những cuộc tranh luận cho tới cách bố trí máy quay, tạo tình huống cho nhân vật nhưng nhân vật của chúng tôi hoàn toàn được giữ bí mật với những gì sẽ diễn ra” – đại diện ê-kíp sản xuất cho biết tại buổi họp báo chính thức ra mắt chương trình.

Sau 4 số phát sóng với 4 câu chuyện cảm động và có phần hài hước, chương trình đã dần trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu vào dịp cuối tuần.

VTV Online đã thực hiện buổi giao lưu trực tuyến cùng ê-kíp sản xuất: đạo diễn hình ảnh Hải Thanh, tổ chức sản xuất Ngọc Minh và BTV Diệp Chi để khán giả có thể hiểu rõ hơn về chương trình mang ý nghĩa đặc biệt này!

Dưới đây là nội dung buổi giao lưu trực tuyến:

Em có biết một chút về quay phim. Em muốn hỏi anh Hải Thanh: Làm đạo diễn hình ảnh thì có kiêm quay phim luôn không ạ? (Hải Phong, phong_artnt@gmail.com, Phố Vọng)

Đạo diễn Hải Thanh: Bản thân tôi cũng từng là một quay phim nên trong quá trình tác nghiệp có những tình huống xảy ra đòi hỏi phải "chớp" cơ hội để có những hình ảnh trung thực nhất, khi đó tôi cũng trở thành một quay phim. Cụ thể, khi sản xuất chương trình Điều ước thứ 7, trên tay tôi luôn có một camera nhỏ.

‘ Đạo diễn Hải Thanh

Em chào ekip sản xuất chương trình "Điều ước thứ 7", em muốn hỏi anh (chị) việc tìm các nhân vật cũng như những câu chuyện để thực hiện trong chương trình được diễn ra như thế nào ạ? (Hướng Dương, Hà Nội)

TCSX Ngọc Minh: Đây là một chương trình mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc và việc tìm kiếm nhân vật đối với chương trình này thực sự khó. Bước đầu tìm kiếm nhân vật thông qua các trang mạng xã hội, báo chí và đồng nghiệp. Sau khi chương trình lên sóng được vài số đã nhận được sự chú ý theo dõi của khán giả và cũng qua đó, đã có những khán giả đã đến trực tiếp Ban biên tập để chia sẻ câu chuyện của những người xung quanh họ, hoặc những câu chuyện họ biết được với mong muốn chương trình có thể thực hiện được câu chuyện mà họ chia sẻ.

Ban biên tập mong rằng sẽ nhận được nhiều câu chuyện của khán giả gửi về cho chương trình để ê kip có thể thực hiện được ý nghĩa tốt đẹp thông qua chương trình.

Em có câu hỏi muốn dành cho anh Hải Thanh: Trong quá trình sản xuất chương trình "Điều ước thứ 7", điều khó khăn nhất mà ekip gặp phải là gì? (Trần Văn Huy, Nam Định)

Đạo diễn Hải Thanh: Do đặc thù chương trình là show truyền hình thực tế, do đó tất cả những tình huống xảy ra trong khi thực hiện là không có sự sắp xếp bố trí từ trước và đặc biệt là không được làm lại. Vì vậy, sự khó khăn nhất là phải tính toán được tất cả những tình huống bất ngờ xảy ra khi tác nghiệp nhằm bố trí camera để không bỏ những khoảnh khắc đặc biệt.

Bên cạnh đó, việc bố trí camera giấu kín sao cho không ảnh hưởng tới cảm xúc chân thật của nhân vật cũng là một khó khăn với ekip thực hiện. Thêm nữa, với một format truyền thực tế thường đòi hỏi nhiều máy quay, trong khi đó chương trình Điều ước thứ 7, ekip chỉ có 5 camera, nên đó cũng là một khó khăn khi sản xuất chương trình.

‘ TCSX Ngọc Minh

Em có xem số đầu tiên của chương trình nói về cuộc gặp gỡ của người nhà nạn nhân với phạm nhân. Vậy để có cuộc gặp này, anh chị có phải thuyết phục gia đình nạn nhân hay không ạ? (Hà Vân, Havan28889@gmail.com)

TCSX Ngọc Minh: Bí mật. Mong các bạn đón chờ Điều ước thứ 7 vào 13h thứ 7 hàng tuần nhé!

Có khi nào những người thực hiện chương trình "bí" đề tài không ạ? ^^ (Lan Anh, Nhokvitcoi@yahoo.com)

BTV Ngọc Minh: Có chứ bạn!

Em muốn hỏi anh Hải Thanh là khi thực hiện chương trình "Điều ước thứ 7", có khi nào hình ảnh thực tế không đẹp như những gì ê-kíp mong muốn không ạ? Làm thế nào để khắc phục điều đó ạ? (Lê Phong, phongnguyenle_vnpt@yahoo.com, Đội Cấn)

Đạo diễn Hải Thanh: Khi thực hiện chương trình, tất cả các tình huống xảy ra với nhân vật thì ekip đã phải tính toán bố trí máy quay sao cho hợp lý và thu được hình ảnh hợp lý nhất. Còn với những hình ảnh thực tế không như ekip mong muốn thường là do những phản ứng từ phía nhân vật, ví dụ như: khách mời nhận lời đến tham gia chương trình tại một địa điểm nhưng lại không đến... đó là những tình huống ngoài mong muốn xảy ra trong chương trình.

Thực tế, hình ảnh đẹp không có nghĩa là hình ảnh có bố cục đẹp, ánh sáng đẹp mà quan trọng nhất là nó phải chứa đựng nội dung của câu chuyện.

Những tiêu chí nào để có thể tham gia chương trình? Nếu tôi muốn tham gia chương trình thì phải làm thế nào? (truong minh trang, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Tôi đoán tiêu chí bạn muốn hỏi là để trở thành nhân vật của chương trình. Tên chương trình là Điều ước thứ 7 nên miễn là bạn có một điều ước "đẹp" nhưng chưa có điều kiện thực hiện điều ước đó thì chúng tôi sẽ giúp bạn. Đương nhiên là điều ước của bạn cũng phải đủ đặc biệt, câu chuyện của bạn cũng phải đủ xúc động.

Hãy liên hệ với chúng tôi qua số điện thoại hotline: 043.771.0042 hoặc qua địa chỉ E-mail: dieuuocthu7.vtv3@gmail.com và trang Fanpage: www.facebook.com/dieuuocthu7 bạn nhé!

Rất mong một ngày gần nhất sẽ được mang tới bất ngờ cho bạn! ;)

Hình ảnh trong một chương trình truyền hình thực tế khác gì với các chương trình ghi hình trong trường quay, chương trình THTT hoặc trong các phóng sự ạ? Em cảm ơn anh! (Hải Phong, phong_artnt@gmail.com, Phố Vọng)

Đạo diễn Hải Thanh: Bản thân từ truyền hình thực tế đã trả lời một phần nội dung câu hỏi của bạn rồi. Với truyền hình thực tế, cái quan trọng nhất là hình ảnh phản ánh thực tế câu chuyện đang diễn ra. Bản thân những người làm như chúng tôi cố gắng mang đến cho các bạn những hình dung chân thực nhất. Nếu như hình ảnh trong trường quay là diễn lại cuộc sống thì hình ảnh truyền hình thực tế lại phản ánh cuộc sống thực.

‘ BTV Diệp Chi

Tôi đã xem một vài số gần đây của chương trình, thực sự rất cảm động, tôi rất mong sẽ được xem nhiều chương trình hay hơn nữa! (Cẩm Tú, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Thay mặt ê-kíp sản xuất chương trình, rất cảm ơn tình cảm và sự ủng hộ mà bạn đã dành cho Điều ước thứ 7. Mong mỏi của bạn cũng chính là điều ước của chúng tôi, bạn ạ! :)

Cho tôi hỏi, nếu muốn xem lại chương trình "Điều ước thứ 7" thì làm thế nào? (thuhue88@gmail.com)

BTV Diệp Chi: Bạn có thể theo dõi lại chương trình mà mình đã bỏ lỡ vào lúc 10h sáng thứ 5 của tuần kế tiếp trên kênh VTV3 hoặc truy cập vào box media trên trang báo điện tử của Đài THVN tại địa chỉ: www.media.vtv.vn.

Đơn giản hơn, nếu bạn cũng có một tài khoản facebook, hãy nhấn nút "Like" cho fanpage của chương trình để theo dõi đầy đủ các số phát sóng cũng như biết được một số hình ảnh và câu chuyện hậu trường thú vị của Điều ước thứ 7 nhé! :)

Em được biết, chương trình "Điều ước thứ 7" được thực hiện mà không có kịch bản từ trước. Có khi nào các bạn rơi vào tình cảnh "dở khóc dở cười" trong quá trình thực hiện chưa? (Đức Trung, Hà Nội)

TCSX Ngọc Minh: Với bất cứ một chương trình nào trước khi quay đều phải có kịch bản như thế mới thống nhất trong ekip để thực hiện điều tốt nhất trong chương trình. Do chương trình mới triển khai nên tình huống này cũng chưa xảy ra điều gì đáng kể nhưng với thể loại chương trình truyền hình thực tế cũng có thể xảy ra điều như bạn đã hỏi.

Giả sử trong lúc ghi hình mà có một máy quay nào đó bị trục trặc, ê-kíp sẽ xử lý thế nào ạ? :D (Phanh Thanh Thanh, phanthanthanh_nb@gmail.com, Ninh Bình)

Đạo diễn Hải Thanh: Thực tế, trong 4 số của chương trình Điều ước thứ 7 chưa từng xảy ra tình huống này. Nhưng tôi cho rằng nếu có xảy ra trục trặc máy quay thì chúng tôi sẽ tùy từng trường hợp để xử lý, chẳng hạn, với máy đang ở vị trí quan trọng, chúng tôi sẽ sử dụng các thiết bị ghi hình khác, thậm chí là điện thoại để có thể ghi lại những khoảnh khắc quan trọng...

Em tò mò một chút: Không biết Công việc của một tổ chức sản xuất trong chương trình này bao gồm những việc gì ạ? Hi hi (Bình Dương, duongbinhle_ppt@gmail.com, Láng Hạ)

TCSX Ngọc Minh: Đó là công việc mà quay phim, đạo diễn, biên tập... yêu cầu gì là phải đáp ứng.

Không biết chương trình "Điều ước thứ 7" có giống chương trình "Điều muốn nói" của truyền hình Mỹ không nhỉ? (huongbo@yahoo.com, ha noi)

TCSX Ngọc Minh: Tôi chưa xem chương trình Điều muốn nói nên tôi không rõ có giống hay không.

Nguồn cảm hứng nào để các anh chị tìm ra được các đề tài cho mỗi số của chương trình? (ruaconlonton@yahoo.com, Thường Tín)

TCSX Ngọc Minh: Đó không phải là nguồn cảm hứng mà theo tiêu chí của chương trình đặt ra đó bạn!

Để làm những chương trình như thế này chắc hẳn là VTV đã phải đầu tư rất nhiều? (anhthu@gmail.com, Hà Nội)

TCSX Ngọc Minh: Với thể loại chương trình truyền hình thực tế thì việc đầu tư cho từng chương trình là kha khá đó bạn!

Sau khi ghi hình, ê-kíp sẽ phải biên tập lại các đoạn đã quay đúng không? Có khi nào đến lúc đó mới phát hiện có hình ảnh chưa ưng ý không? Ê-kíp xử lý thế nào? (Hạnh Mai, Mỹ Đình)

Đạo diễn Hải Thanh: Sau khi ghi hình, e-kip sẽ thực hiện công đoạn hậu kì (dựng phim), với khối lượng 5 camera, các BTV sẽ phải ngồi xem và ghi timecode cho từng cảnh quay. Tất nhiên, không phải lúc nào cũng có thể lấy được những hình ảnh theo ý muốn của đạo diễn. Đó cũng chính là công việc của biên tập dựng. Thông thường khi ghi hình vào những đoạn quan trọng, ekip sẽ bố trí quay sự kiện ở nhiều góc máy nên sẽ không có chuyện hỏng tất cả các góc hình ảnh, vì thế hoàn toàn có thể sử dụng các góc máy thay thế trong trường hợp cần thiết.

Theo anh/chị, khi làm chương trình "Điều ước thứ 7", điều gì là khó nhất? (trangsocola88@yahoo.com, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Mục đích của chương trình chính là hiện thực hóa điều ước của nhân vật cho nên đó cũng là nhiệm vụ khó khăn nhất mà chúng tôi cảm nhận khi sản xuất chương trình này. Hiện thực hóa điều ước của một người nhưng lại phải giữ bí mật với người đó lại càng khiến nhiệm vụ của chúng tôi trở nên gian nan hơn. Trong các chương trình đã phát sóng, chúng tôi đã phải "lôi kéo" rất nhiều người thân, bạn bè của nhân vật đứng về "phe" của mình để quá trình thực hiện điều ước được giữ bí mật cho tới phút cuối cùng.

Nhưng phải thú thực trong quá trình triển khai, chúng tôi không khỏi nơm nớp lo sợ một ai đó trong số họ vì quá vui khi điều ước mà người mình yêu quý sắp sửa được thực hiện nên có thể sẽ lỡ lời. Thật may, tình huống đó vẫn chưa xảy ra! :) Có lẽ ê-kíp sản xuất chương trình phải gửi lời cám ơn tới các cộng tác viên "bất đắc dĩ" này rất nhiều!

Người Việt Nam mình khá bảo thủ trong việc kể chuyện của mình cho công chúng nghe. Làm thế nào để e-kip có thể vượt qua được rào cản này? (Sơn Tùng, Hà Nội)

TCSX Ngọc Minh: Thực ra cũng không khó lắm, miễn là mình đến với họ bằng sự thông cảm và chân thành cộng với kinh nghiệm nghề nghiệp thì cũng đơn giản hơn nhiều!

Xin hỏi đạo diễn hình ảnh Hải Thanh: Trong các số ê-kíp đã sản xuất, anh thấy ưng ý nhất với những cảnh quay nào vậy? (Minh Vy, minhvynguyen90@gmail.com)

Đạo diễn Hải Thanh: Trong bốn số đã phát sóng, cảnh tôi ưng ý nhất là khoảng khắc nét mặt ngơ ngác của chị Loan khi đi ngang qua đám cưới nghe được bài thơ anh Vượng tặng mình. Cảnh quay đó mặc dù không được đẹp, có thể bị rung, bị mọi người đi qua đi lại nhưng nó mang một cảm xúc rất đặc biệt.

Làm một chương trình không có kịch bản fix thì điều thú vị nhất là gì? Và sự nguy hiểm mà ê-kíp có thể sẽ phải đương đầu? (Tố Như, nhuhale56@gmail.com, Hà Tây)

TCSX Ngọc Minh: Cái hay của chương trình này là không kịch bản nào giống kịch bản nào và nó có thể thay đổi bất cứ lúc nào để đảm bảo thực hiện được diễn biễn về hình ảnh cũng như tâm lý nhân vật. Tuy nhiên đó cũng chính là cái khó cho tổ chức sản xuất vì mọi sự chuẩn bị cũng phải thay đổi theo trong một khoảng thời gian rất ngắn nhưng vẫn phải đáp ứng được yêu cầu nội dung đặt ra.

Bối cảnh trong chương trình truyền hình thực tế là khá rộng. Vậy làm thế nào để ê-kíp đảm bảo có thể bắt rõ nhất nét mặt của nhân vật khi các máy quay được bố trí rải rác như vậy? (Minh Vy, minhvynguyen90@gmail.com)

Đạo diễn Hải Thanh: Câu hỏi này mang tính kỹ thuật một chút! Tôi có thể trả lời bạn như sau: Chúng tôi sử dụng máy quay Sony PW500 với ống kính Tele x40. Do vậy, ở một khoảng cách xa, vẫn có thể đảm bảo "zoom" được vào cận nhân vật.

Điều các bạn băn khoăn và lo sợ nhất khi bắt tay vào làm chương trình này là gì và kể cả khi chương trình đã phát sóng? (Trần Thị Hà, Thái Thụy, Thái Bình)

TCSX Ngọc Minh: Đó chính là câu chuyện của các nhân vật bạn ạ.

Đạo diễn Hải Thanh cho tôi hỏi khi có nhiều máy quay được sử dụng như vậy, ê-kíp mất thời gian bao lâu để chọn ra những góc quay đẹp và chuyển tải được nội dung chương trình? (Nam Linh, Ba Đình)

Đạo diễn Hải Thanh: Để chọn được góc máy đẹp, ekip phải thực hiện khảo sát trước đó. Trong quá trình này, chúng tôi phải đưa ra quyết định vị trí của máy quay ngay lập tức. Vị trí của máy quay phụ thuộc vào các tình huống của nhân vật và địa hình tại hiện trường.

Nội dung của chương trình truyền hình thực tế thường có tính biến đổi do các yếu tố bên ngoài. Không biết chương trình của mình có như vậy không ạ? Nghĩa là có khi nào các tình huống xảy ra không như dự tính của ê-kíp? (Phan Liên, lien_bb_phan@yahoo.com, Đống Đa)

TCSX Ngọc Minh: Cũng có nhưng không nhiều vì ekip đã tiên lượng trước những tình huống sẽ xảy ra trong quá trình thực hiện.

Chào ê-kíp! Tôi đã xem chương trình này và thấy rất có ý nghĩa. Anh (chị) có thể cho biết động lực nào là lớn nhất để ê-kíp thực hiện chương trình này? (Lê Minh Hương, Ba Đình)

TCSX Ngọc Minh: Đây là một trong những chương trình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc nhưng cách thể hiện hoàn toàn khác so với các chương trình trước đó.

Xin hỏi chị Diệp Chi, khi thực hiện chương trình "Điều ước thứ 7", đã bao giờ chị không kìm được nước mắt mà khóc không ạ? (, litter_girl@yahoo.com, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Bản thân tôi là một người rất dễ xúc động nhưng luôn dặn mình trong mọi tình huống phải giữ được bình tĩnh trước ống kính để hoàn thành tốt chương trình. Thế nhưng, nếu theo dõi từ chương trình đầu tiên của Điều ước thứ 7, khi chứng kiến cái ôm nghẹn ngào mà cô Nguyễn Thị Mỹ dành cho phạm nhân Trần Chinh - người 14 năm trước đã gây ra cái chết cho chồng cô, tôi đã không thể kìm nén sự xúc động. Rất nhiều cán bộ của trại giam Thủ Đức và thậm chí là những người đang vác trên vai chiếc máy quay cũng rơi nước mắt khi chứng kiến hình ảnh đó.

Và phải thú thực với bạn, trong hậu trường của hầu hết các chương trình Điều ước thứ 7, những người xúc động và khóc nhiều nhất chính là những BTV của chương trình. Bởi lẽ, chúng tôi là những người đã tìm hiểu nhân vật, tìm hiểu câu chuyện từ những phút đầu tiên. Để nhân vật thổ lộ những điều riêng tư một cách chân thành nhất, chúng tôi đã trở thành người bạn, người con, người cháu của họ và hơn ai hết, chúng tôi là những người mong mỏi được thực hiện điều ước của họ nhất.

Sau những cảnh quay, cũng chính chúng tôi là người xử lý hậu kỳ, đem câu chuyện lên màn ảnh nhỏ và kể cho khán giả cho nên có thể nói, chúng tôi đã có một khoảng thời gian rất dài sống cùng nhân vật cùng những cảm xúc của họ. Những cảm xúc ấy vẫn vẹn nguyên ngay cả khi theo dõi chương trình phát sóng và chúng tôi rất hạnh phúc khi nhận được sự đồng cảm của khán giả sau mỗi câu chuyện.

Có khi nào chương trình gặp rắc rối về bối cảnh không nhỉ? (Nam Linh, Ba Đình)

Đạo diễn Hải Thanh: Hiện tại, trong 4 số gần đây của Điều ước thứ 7 chưa gặp rắc rối nào về bối cảnh khi sản xuất. Và tất nhiên, tất cả các tình huống về bối cảnh có thể xảy ra nhưng chúng ta vẫn có thể khắc phục được, chẳng hạn như khi thực hiện đám cưới cho anh Vượng và chị Loan, ban đầu ekip có ý tưởng thực hiện tại xóm nhà anh chị để tạo ra không khí đầm ấm, hạnh phúc, nhưng khi khảo sát hiện trường, bối cảnh thực tế lại quá chật hẹp nên ekip đã chuyển hướng thực hiện tại công viên Cầu Giấy. Và cuối cùng chúng tôi chỉ cần nghĩ một tình huống để đưa anh chị Vượng - Loan qua đó.

Chị Diệp Chi ơi, chương trình này ko dành cho người yếu tim và mít ướt đúng ko. Em vừa xem xong chương trình về nhân vật Sùng A Gì, thấy thương quá! (Linh Kun, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Trái lại, đây là chương trình dành cho những người yếu tim và mít ướt để thử thách khả năng kìm nén cảm xúc của mình đấy em à! :)

Tôi thấy chương trình rất hay và ý nghĩa, tôi muốn được làm tình nguyện viên trong chương trình thì phải làm thế nào? (Bùi Kim Ngân, Hà Nội)

TCSX Ngọc Minh: Cảm ơn bạn đã có nhã ý tham gia giúp đỡ chương trình. Trên thực tế có những phần nội dung chương trình rất cần đến sự tham gia của các bạn như làm khán giả hay đội nhảy flashmob... những lúc như thế chúng tôi rất cần các bạn tình nguyện tham gia. Đó chính là sự đóng góp của các bạn cho chương trình. Nếu được bạn có thể để lại địa chỉ mail, số điện thoại cho chương trình để khi cần có thể liên lạc mời tham gia.

Xin chào anh Hải Thanh, để làm đạo diễn hình ảnh cần những tố chất nào vậy? Anh làm công việc này lâu chưa ạ? Chúc anh có buổi GLTT vui vẻ! (Nguyễn Lê Minh, Hà Nội)

Đạo diễn Hải Thanh: Bản thân tôi xuất thân từ một quay phim, công tác tại Đài THVN từ 1996. Tôi đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình 18 năm công tác, theo tôi điều mà một đạo diễn hình ảnh cần có đó là sự nhạy bén, khả năng quan sát và dự đoán tình huống.

Với nghề đạo diễn hình ảnh ở Việt Nam, chưa có một trường lớp đào tạo, chúng tôi phải tự học hỏi đồng nghiệp, các đàn anh đã đi trước, tự rút kinh nghiệm cho mình sau mỗi lần thực hiện chương trình. Đặc biệt, một đạo diễn hình cần phải có đó là sự quyết đoán trong những tình huống bất ngờ xảy ra.

Xin hỏi tổ chức sản xuất Ngọc Minh, làm TCSX cho một chương trình truyền hình thực tế có gặp phải khó khăn gì không? Điều gì cần lưu ý nhất? (Bình Trần, tranthanhbinh_vnm@gmail.com)
TCSX Ngọc Minh
: Đương nhiên là có. Điều cần lưu ý nhất là sẵn sàng đón nhận sự thay đổi của chương trình một cách thoải mái để xử lý tình huống nhanh nhất theo yêu cầu của kịch bản.

Trong quá trình thực hiện chương trình, em thấy có đoạn đội sản xuất tranh luận về ý tưởng. Đã bao giờ mọi người không thể thống nhất ý kiến với nhau chưa ạ? (Bùi Bình, Hoài Đức)

TCSX Ngọc Minh: Việc tranh luận là đương nhiên để đưa ra kịch bản tốt nhất. Không có cái gì là không đi đến thống nhất cả, nếu không thống nhất làm sao có thể thực hiện được.

Tôi có theo dõi thông tin về chương trình "Điều ước thứ 7" và tôi được biết,để quay được những hình ảnh cho chương trình nhiều khi chính đạo diễn hình ảnh cũng phải tham gia cầm máy quay. Anh Thanh Hải có kỷ niệm nào đáng nhớ trong quá trình thực hiện điều ước thứ 7? (Đỗ Văn Đức, codonvisao@yahoo.com)

Đạo diễn Hải Thanh: Có một kỉ niệm khá vui đã xảy ra khi ekip thực hiện đám cưới cho anh chị Vượng - Loan tại công viên Cầu Giấy. Ekip có dàn dựng một tình huống là đôi bạn trẻ đi dạo trong công viên và bất ngờ cô gái trở dạ, anh Vượng sẽ là người chạy tới giúp đỡ để đưa cô gái vào bệnh viện. Thì lúc đó tôi cầm một máy quay nhỏ đứng "phục" ở cổng công viên, khi anh Vượng chở cô gái đi qua, do diễn quá sâu anh đã chạy với tốc độ rất nhanh làm tôi đuổi theo không kip. Lúc đó, vừa đuổi theo tôi vừa hô: "Chạy chậm thôi!".

Tôi có một câu hỏi dành cho Ngọc Minh, không biết vai trò và công việc cụ thể của một tổ chức sản xuất sẽ như thế nào nhỉ? Với một chương trình thực tế như thế này thì công việc đấy có khó không? Khó nhất là gì? (Nguyễn Hà, Thái Nguyên)

TCSX Ngọc Minh: Cũng có bạn đã hỏi câu này với tôi. Làm chương trình thực tế đương nhiên có khó khăn. Khó khăn nhất là cái gì cũng khó! ^^

Tôi muốn hỏi sau khi ghi hình xong chương trình thì liệu nhà sản xuất có can thiệp hậu kì sau đó nhiều không? Chương trình có nghĩ tới việc sẽ phát sóng trực tiếp không? (Hoàng Thuận, Hải Phòng)

BTV Diệp Chi: Toàn bộ diễn biến của chương trình đều được ghi lại gần như trọn vẹn với rất nhiều máy quay hoạt động cùng lúc và nhiệm vụ của chúng tôi ở công đoạn hậu kỳ là sắp xếp, lắp ghép các cảnh quay theo đúng tiến trình câu chuyện, để khán giả có thể hiểu câu chuyện đó một cách trọn vẹn và trung thực nhất. Các cảnh quay trong chương trình Điều ước thứ 7 được thực hiện trong vòng 3 - 4 ngày và làm thế nào để cô đọng chừng ấy cảnh quay, chừng ấy tình tiết vào 50 phút của chương trình là một nhiệm vụ khá khó khăn đối với chúng tôi.

Chia sẻ với bạn, ở chương trình đầu tiên, tôi đã phải mất gần như một ngày để sắp xếp gần 300Gb dữ liệu trước khi bắt tay vào công đoạn hậu kỳ. Ở công đoạn này, chúng tôi cũng nhờ tới sự hỗ trợ của âm nhạc để làm chất xúc tác cho câu chuyện. Rất vui khi nhận được nhiều lời khen của khán giả cho những phần nhạc nền, ca khúc được sử dụng trong chương trình.

Như đã chia sẻ ở trên, với quy trình sản xuất một chương trình như hiện nay thì việc phát sóng trực tiếp gần như là không thể. Có thể trong tương lai, với một chương trình đặc biệt nào đó, chúng tôi sẽ tường thuật trực tiếp phần nội dung quan trọng nhất là giúp nhân vật thực hiện điều ước của họ. Câu hỏi của bạn cũng là một gợi ý thú vị cho ê-kíp sản xuất. Cảm ơn bạn rất nhiều và mong bạn tiếp tục ủng hộ cho Điều ước thứ 7 nhé!

Giữa nội dung và hình ảnh, theo TCSX Ngọc Minh, điều nào quan trọng hơn trong một chương trình truyền hình thực tế? (Nguyên Đăng, nguyendangphamhn@hotmail.com)

TCSX Ngọc Minh: Cả hai đều quan trọng nên rất khó để so sánh bạn ạ!

Chương trình thường sử dụng máy quay giấu kín để ghi được những cảm xúc và hành động của nhân vật chân thật nhất. Anh Hải Thanh ơi, có khi nào thực hiện, ekip bị nhân vật phát hiện không? (Hoài Nam, Thái Bình)

Đạo diễn Hải Thanh: Cho đến thời điểm hiện tại, chưa có chương trình nào bị nhân vật phát hiện. Duy nhất có một chương trình về cụ ông 94 tuổi ở TP.HCM khi bố trí ông bà vào nhà hàng ngồi vào bàn ăn, ông có một thắc mắc khiến cả ekip "giật mình": "Bàn mình có hoa, các bàn khác không có hoa". Đó cũng là chỗ ekip giấu micro.

Anh Hải Thanh ơi! Chương trình đã có kế hoạch cho số tiếp theo chưa ạ? (Ngọc Duyên, Hà Nội)

Đạo diễn Hải Thanh: Rất tiếc, điều này không thuộc lĩnh vực của mình!

Theo anh Hải Thanh thì điều gì làm cho "Điều ước thứ 7" sẽ hấp dẫn khán giả trong thời gian dài mà không bị rơi vào hoàn cảnh giống nhiều chương trình thực tế khác? (Mạnh Quý Tị, Thái Nguyên)

Đạo diễn Hải Thanh: Điều ước thứ 7 theo nhà báo Lại Văn Sâm từng chia sẻ - đây là chương trình mang tính nhân văn, xã hội sâu sắc. Và chính điều đó sẽ là yếu tố hấp dẫn khán giả.

Nếu có một cảnh quay không ưng ý trong chương trình này, ê-kíp có phải quay lại không ạ? Điều này có khó không khi đây là chương trình truyền hình thực tế ạ? (Phương Chi, phuongchitran@gmail.com)

Đạo diễn Hải Thanh: Điều này không thể thực hiện lại. Do vậy, với những cảnh quay đặc biệt chúng tôi thường bố trí nhiều góc quay để tránh tình trạng như bạn nói.

Hỏi vui đạo diễn Hải Thanh một chút nhé! Nếu đang ghi hình thực tế mà bỗng nhiên một máy quay bị rơi thì đạo diễn sẽ làm gì? Hi hi (Phạm Trang, trangphamnguyen@gmail.com, Đống Đa)

Đạo diễn Hải Thanh: Đã rơi thì phải đỡ thôi! :))
Tôi rất thích những bài hát được sử dụng trong chương trình "Điều ước thứ 7". Tôi muốn hỏi về thông tin của những bài hát này có thể tìm kiếm ở đâu? Anh/chị lựa chọn các bài hát này dựa trên tiêu chí nào? (hoaihoai@yahoo.com, hà nội)

BTV Diệp Chi: Bạn hãy ghé thăm Fanpage của chương trình nhé! Bật mí với bạn, admin của trang là một người rất đáng yêu và nhiệt tình, sẽ giúp bạn và mọi người giải đáp mọi thắc mắc liên quan tới chương trình. Số lượng ca khúc được sử dụng trong mỗi số phát sóng là khá nhiều nên mình không thể liệt kê hết ở đây. Chỉ tiết lộ cho bạn những bài hát chính được sử dụng ở phần cuối thôi nhé.

- Chương trình 01: Ca khúc Nơi ấy - sáng tác & biểu diễn: Hà Okio

- Chương trình 02: Ca khúc Khi chúng ta già - sáng tác: Hồng Phước, biểu diễn: Hồng Phước, Hương Giang

- Chương trình 03: Ca khúc Dấu mưa - sáng tác: Phạm Toàn Thắng, biểu diễn: Trung Quân/ca khúc Phía cuối con đường - sáng tác: Hoàng Anh Minh, biểu diễn: Hoàng Yến, Tô Minh Đức

- Chương trình 04: Ca khúc Flying without wings - biểu diễn: Westlife

Những ca khúc đã được các biên tập chọn lựa khi đưa vào chương trình để tạo cao trào hoặc tạo điểm nhấn cho câu chuyện. Rõ ràng, mỗi ca khúc đã có một đời sống riêng trước khi xuất hiện trong Điều ước thứ 7 nên lựa chọn ca khúc nào để ăn nhập với nội dung chương trình là điều chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ.

Tôi đã xem các chương trình Điều ước số 7 gần đây, tôi muốn hỏi phản hồi của khán giả về chương trình này như thế nào? Liệu có giống tôi thấy nó hay và ý nghĩa không nhỉ? (lin_koly@yahoo.com, Hà Nội)

BTV Diệp Chi: Rất vui vì nhiều người cũng đồng cảm với bạn đấy, bạn ạ! :) Phản hồi dành cho các chương trình được chúng tôi nhận về mỗi ngày, nhiều nhất là khi chương trình đang lên sóng hoặc vừa dứt thời điểm phát sóng. Có những lá thư, những tin nhắn gửi về khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Nhiều khán giả đã tìm thấy sự đồng cảm trong những câu chuyện, trong những ước mơ của nhân vật và đôi khi thông qua chính những lá thư đó, chúng tôi lại tìm thấy những đề tài mới để tiếp tục lên đường.

Thứ 7 là khoảng thời gian để nghỉ ngơi và rất nhiều khán giả đã nói vui với chúng tôi là họ phải "hy sinh" giấc ngủ trưa để theo dõi Điều ước thứ 7. Có lẽ, chúng tôi sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự "hy sinh" đó. :)

‘ Đại diện ê-kíp sản xuất giao lưu cùng độc giả tại VTV Online

Theo các anh (chị), làm truyền hình thực tế ở Việt Nam điều gì là khó khăn nhất? (An Nam, namtrannguyenan@gmail.com, Lò Đúc)

BTV Diệp Chi: Truyền hình thực tế là một thể loại khá cũ ở nước ngoài nhưng tại Việt Nam, nó lại được coi là "luồng gió mới". Nhiều format truyền hình thực tế của nước ngoài khi về đến Việt Nam phải có sự điều chỉnh để phù hợp với văn hóa, lối sống của người Việt.

Truyền hình thực tế tôn trọng diễn biến thật, tôn trọng cảm xúc thật mà chúng ta vốn dĩ không phải là những người dễ dàng bày tỏ cảm xúc, quan điểm một cách thoải mái, tự nhiên. Điều này, "các bạn Tây" làm tốt hơn chúng ta rất nhiều.

Cho nên, khi sản xuất các chương trình thực tế, chúng tôi thường nói vui với nhau là làm sao để nhân vật quên đi sự hiện diện của máy quay, để nhân vật coi chúng ta là bạn, là người trong gia đình để gạt bớt lo ngại, để tự nhiên và hồn nhiên bày tỏ cảm xúc thì khi đó chúng ta mới thành công.

Em chào anh/chị, em muốn hỏi chương trình có "bồi thường" giấy lau cho những khán giả đã khóc khi xem Điều ước thứ 7 không ạ? hj hj Chương trình rất cảm động anh chị ạ! (Đoàn Quỳnh Trang, HN)

BTV Diệp Chi: Chương trình sẵn sàng "bồi thường" cho những khán giả đáng yêu như bạn! :) Liên hệ ngay với chúng tôi để nhận "bồi thường" nhé! Hỏi nhỏ: Mỗi một chương trình Điều ước thứ 7, bạn sử dụng bao nhiêu tập giấy ăn thế? :))

Chị Diệp Chi ơi! là BTV làm việc trong một chương trình truyền hình thực tế có vất vả không ạ? Chắc chị đã phải rèn luyện sức khỏe rất nhiều nhỉ? (Der Bauer)

BTV Diệp Chi: Làm báo nói chung đã là một công việc vất vả, đối với phụ nữ, công việc đó lại trở nên gian nan hơn nhiều lần. Quả thực nếu không có một sức khỏe tốt thì sẽ không thể theo đuổi được nghề này. Chị sẽ tiết lộ cho em quy trình sản xuất trọn vẹn 1 chương trình Điều ước thứ 7 mà chị đã từng làm để em hiểu rõ hơn về công việc hậu trường, "bếp núc" của truyền hình nhé.

Ngày thứ nhất, sau khi xuống sân bay là lập tức đến nhà nhân vật để lắng nghe câu chuyện và thực hiện phóng sự. Buổi sáng của ngày thứ hai vẫn tiếp tục công việc đó, buổi chiều di chuyển gần 200km để đến nơi thực hiện điều ước của nhân vật, buổi tối khảo sát địa điểm, lựa chọn bối cảnh. Ngày thứ ba, set-up máy móc và thực hiện các cảnh quay chính thức. Sáng ngày thứ tư, lên máy bay về Hà Nội và dành gần như toàn bộ thời gian còn lại trong ngày để khẩn trương sắp xếp dữ liệu.

Một tuần sau đó là chuỗi ngày gắn bó với bàn dựng. Với riêng chị, đã có tới 3 đêm liên tiếp phải thức trắng để hoàn thiện chương trình. Với lịch làm việc liên tục và áp lực như thế, nếu không có được một sức khỏe đảm bảo, thì sẽ không thể hoàn thành được công việc chất lượng và đúng hạn.

Thế nhưng, một điều khá mừng là sau thời gian gần như vắt kiệt sức cho chương trình, trọng lượng cơ thể lại giảm được kha khá, lên hình chắc chắn "xinh hơn" em ạ! :))

Vẫn còn một số câu hỏi chưa kịp trả lời hết, xin hẹn các độc giả của VTV Online vào dịp khác. Ê-kíp sản xuất Điều ước thứ 7 hy vọng sẽ nhận được không chỉ sự ủng hộ, động viên của quý khán giả mà còn mong muốn được lắng nghe những chia sẻ, những câu chuyện và hiện thực hóa điều ước của chính quý vị và những người xung quanh.

Dù đó là điều ước gì, lớn lao hay giản dị, cũng đừng ngần ngại cho chúng tôi biết nhé! Rất cảm ơn những câu hỏi thú vị mà độc giả đã gửi cho các thành viên trong ê-kíp sản xuất trong buổi chiều hôm nay. Xin hẹn gặp lại vào Điều ước thứ 7 phát sóng 13h thứ 7 hàng tuần trên VTV3! :)

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước