15 năm Táo quân: Hành trình cảm xúc và tuổi trẻ

Tạp chí Truyền hình-Thứ hai, ngày 12/02/2018 16:09 GMT+7

VTV.vn - 15 năm Táo quân đã chứng kiến hành trình đầy cảm xúc và những năm tháng tuổi trẻ cống hiến của biết bao người nghệ sĩ.

15 năm Táo quân không chỉ là "số tuổi" của một chương trình truyền hình được mong đợi nhất dịp Tết hàng năm mà còn là quãng đường dài, quãng thời gian chứng kiến bao đổi thay của ngành truyền hình cùng thị hiếu của khán giả màn ảnh nhỏ.

Những ngày đầu "hồn nhiên"

Bắt đầu bằng đề xuất và cái gật đầu của NSND Khải Hưng, lúc đó đang là Giám đốc VFC: "cứ làm một chương trình hài hước cuối năm đi", Gặp nhau cuối năm (GNCN) ra đời. Ban đầu tích Táo quân là một tiểu phẩm độc lập trong lòng chương trình GNCN. Phải tới năm 2006, Táo quân mới chiếm lĩnh toàn bộ GNCN, trở thành một show diễn tấu trình của các Táo về các vấn đề quan trọng của đất nước bằng ngôn ngữ của hài kịch và kết thúc là màn "xoa dịu", xí xóa của Ngọc Hoàng nhằm giã từ năm cũ để hướng tới năm mới một cách tốt đẹp hơn.

Thời điểm đó kênh giải trí VTV3 cũng vừa mới lên sóng và chương trình GNCN – Táo quân ra đời ngay lập tức mang đến sự mới mẻ, hấp dẫn cho khán giả. Nhưng không ai nghĩ chương trình sẽ đi được một chặng đường dài và có tình yêu bền lâu với khán giả như thế. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải nhớ lại: "Thời điểm đó chúng tôi làm một cách hồn nhiên nhưng ngay lập tức nhận được nhiều phản hồi tích cực của khán giả. Tôi lúc đó cũng chỉ mới hơn 30 tuổi, đầy say mê và hồn nhiên. Nhưng khi ở vai trò quản lí, tôi bắt đầu phải nghĩ cả hai phía vừa là người sáng tác vừa người quản lí chịu trách nhiệm về nội dung. Thời gian 15 năm trôi qua, tuổi tác và sức khỏe cũng đã ảnh hưởng đến sự sáng tạo…".

Luôn chiễm chệ ở khung giờ đẹp nhất, thời điểm đẹp nhất trên màn ảnh nhỏ, GNCN không chỉ vẫn giữ được sức hút "nổi đình nổi đám" mà còn là nơi để khán giả khắp mọi miền xem và ngẫm, kì vọng và chia sẻ, lắng lại và cười vui chào đón năm mới. Ê kíp sản xuất chương trình, nhiều người đã nghỉ hưu, nhiều người chuyển sang công việc khác và có những gương mặt mới xuất hiện. Nhưng ai cũng nhắc đến những ngày đầu làm chương trình Táo quân với sự say mê, trân trọng và gắn bó.

15 năm Táo quân: Hành trình cảm xúc và tuổi trẻ - Ảnh 1.

Sáng tạo không ngừng nghỉ

Táo quân có lẽ là chương trình giữ kỉ lục về tư liệu sự kiện nổi cộm trong năm ở hầu hết lĩnh vực được gói gọn, chuyển tải trên sân khấu. Điều này khiến Táo quân khác biệt so với các chương trình hài xuân, hài Tết dù mục đích vẫn là mang lại tiếng cười cho công chúng. Khâu kịch bản do một nhóm thực hiện, được chuẩn bị kĩ càng trong một thời gian dài và luôn được cập nhật. Quá trình tập luyện tiếp tục là sự sáng tạo rất lớn của các nghệ sĩ biểu diễn. Thậm chí, mỗi nghệ sĩ đảm nhận vai Táo nào cũng đều được gửi rất nhiều tài liệu về những vấn đề thời sự, nổi cộm đó. Họ đọc, ngấm rồi mới tập, mới thoại, nhấn nhá và thuyết phục được khán giả.

Táo quân cũng đã ghi dấu sự trưởng thành về nghề nghiệp, uy tín, tài năng của thế hệ nghệ sĩ hài phía Bắc từ khi họ còn là một diễn viên bình thường như: Xuân Bắc, Quang Thắng, Tự Long... cho đến khi họ thành NSƯT, NSND vẫn chọn sân khấu này để cống hiến nghệ thuật. Vẫn từng ấy gương mặt trong các vai diễn nhưng khán giả vẫn rất chờ đợi xem năm nay Ngọc Hoàng sẽ "xử" các Táo thế nào hay phán quyết ra sao? "Bộ ba thần thánh" Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngọc Hoàng có gì mới, các Táo sẽ báo cáo gì?... Mỗi nghệ sĩ một nét diễn, sự sáng tạo, tài năng, cá tính riêng trong tổng thể chung chương trình Táo quân đã làm nên một thương hiệu truyền hình khó thay thế.

Đạo diễn Đỗ Thanh Hải xúc động chia sẻ: "Tôi thấy hiếm có chương trình nào làm được điều này: sự cộng hưởng của đội ngũ nghệ sĩ. Không có họ thì không thể có 15 năm Táo quân. Họ yêu chương trình, yêu mến các cộng sự sáng tạo mà không nghĩ đến điều được nhận lại. Đó là giá trị lớn nhất chương trình tạo ra. Và tình cảm của khán giả cũng chính là điều thúc đẩy nghệ sĩ xả thân hết mình".

Sự thay đổi, tốc độ phát triển của chương trình Táo quân đã đi cùng với sự phát triển của ngành truyền hình và thị hiếu của khán giả. Từ chương trình ghi hình trong trường quay S9 (hồi đó là trường quay lớn nhất của VTV), ra đến các Nhà hát sức chứa rộng hơn. Từ ghi hình 1 buổi, 2 buổi có năm ghi hình 3 - 4 buổi. Sự thay đổi lớn nhất là công nghệ truyền hình và nó giúp mang đến hiệu quả trong sản xuất và đưa sản phẩm đến gần hơn với khán giả. Ngày xưa chỉ sản xuất rồi xong rồi phát sóng. Nhưng bây giờ, ngay khi chương trình chưa làm, truyền thông đã quan tâm, phỏng vấn, viết bài. Táo quân được phát sóng trên khung giờ đẹp của VTV, nhiều kênh cùng truyền dẫn trên youtube, digital, khán giả có thể xem đi xem lại ở các hình thức khác. Công nghệ truyền hình gây áp lực cho ê kíp sáng tạo nhưng cũng là thứ hậu thuẫn để sức lan tỏa chương trình tốt hơn. Đi kèm với sự phát triển đó là áp lực về nội dung khai thác vừa phải mới mẻ vừa phải nói được những vấn đề khán giả quan tâm trong từng năm. Và đó luôn là "bài toán" đau đầu của ê kíp sáng tạo chương trình đặc biệt này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước