Cẩn trọng trước tình trạng mạo danh báo chí truyền hình

Đỗ Tuấn-Thứ ba, ngày 26/11/2019 06:00 GMT+7

Thủ đoạn mạo danh truyền hình ngày càng tinh vi

VTV.vn - Giả danh báo chí và các cơ quan truyền thông, các đối tượng xấu có thể dễ dàng tạo dựng lòng tin nhằm mời chào thực hiện các chương trình có thu phí trái phép.

Sự phát triển của ngành truyền hình luôn gắn liền với từng dấu mốc lịch sử của đất nước. Từ những ngày đầu phát sóng truyền hình (7/9/1970) đến nay, Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí truyền hình khác nói chung, đã luôn đóng vai trò là cầu nối thông tin quan trọng đến nhân dân mọi miền tổ quốc. Vai trò và vị thế của các đài truyền hình được khẳng định vững chắc trong xã hội.

Tuy nhiên, cùng với đó, đã xuất hiện tình trạng mạo danh truyền hình nhằm thu lời bất chính. Với danh nghĩa báo chí, các đối tượng xấu dễ dàng tạo dựng lòng tin nhằm mời chào thực hiện các chương trình có thu phí trái phép. Uy tín của các đài truyền hình càng cao thì các doanh nghiệp truyền thông càng dễ vin vào để "mượn" ảnh hưởng nhằm hù dọa đối tượng hoặc mời mọc sản xuất chương trình truyền hình nhằm trục lợi.

Cẩn trọng trước tình trạng mạo danh báo chí truyền hình - Ảnh 1.

Xuất hiện tình trạng nhiều kẻ mạo danh phóng viên VTV

Truyền hình là mảnh đất mầu mỡ mà các doanh nghiệp truyền thông lừa đảo bám vào để sống cộng sinh. Với lợi thế của của báo hình, việc được phát sóng tuyên truyền, thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm trên sóng truyền hình có hiệu quả cao hơn nhiều các hình thức quảng cáo khác, như: báo in, báo nói, pano, biển quảng cáo... Thị trường quảng cáo trên truyền hình rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong các chiến lược quảng bá, tiếp thị của các doanh nghiệp. Chi phí quảng cáo trên truyền hình hợp lý, lại thêm sự có mặt của truyền hình cáp, dịch vụ OTT (Over-The-Top) sẽ giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận các thị trường nhỏ hơn, nhiều chỉ tiêu hơn.

Bên cạnh đó, còn phải kể đến loại hình quảng cáo lồng ghép trong các chương trình truyền hình, tức là các nội dung quảng bá, giới thiệu cho các doanh nghiệp sẽ được che dấu kín đáo trong các thông tin, phóng sự về xã hội, kinh tế và thậm chí cả về chính trị. Dạng thức vi phạm này thường được các đối tượng mạo danh truyền hình mời chào nhiều nhất.

Quảng cáo trá hình thể hiện ở sự vượt trội về hiệu quả tuyên truyền, quảng bá so với các dạng thức quảng cáo thông thường khác. Với mong muốn quảng bá rộng rãi sản phẩm-dịch vụ, các doanh nghiệp dễ "sập bẫy" các đối tượng mạo danh truyền hình. Rõ ràng, công cuộc đấu tranh với hành vi mạo danh truyền hình sẽ phải chủ động và lâu dài trong tiến trình phát triển của Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng cũng như các tổ chức truyền hình khác nói chung.

Cẩn trọng trước tình trạng mạo danh báo chí truyền hình - Ảnh 2.

Nhiều trường hợp làm giả giấy tờ, mạo danh nhà báo

Một vấn đề khiến cho hiện tượng mạo danh truyền hình khó bị triệt tiêu chính là xuất phát từ vai trò, quyền lực của báo chí trong nền kinh tế. Báo chí có vai trò phản ảnh tiêu cực, góp phần đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật trong xã hội. Vì vậy, rất nhiều cá nhân, tổ chức, cơ quan chức năng có sự e dè nhất định khi va chạm, đấu tranh với các đối tượng truyền thông mạo danh này. Họ khó có điều kiện xác định ngay lập tức về việc liệu những người tham gia có phải là phóng viên truyền hình thật sự hay không.

Thêm nữa, các đối tượng vi phạm càng ngày càng có thêm nhiều hình thức ngụy tạo, giả mạo để tăng thêm lòng tin cho doanh nghiệp, như làm giả thẻ cơ quan (với mức độ giống thật lên tới 95%), làm giả giấy giới thiệu, công văn có đóng dấu đỏ (giả mạo) của các đơn vị trong Đài. Vì vậy, cơ quan chức năng và người dân càng ít có điều kiện phát hiện ra ngay sự giả mạo. Tất cả những vấn đề này khiến cho khi đối mặt với một vụ mạo danh VTV thì các cơ quan chức năng hoặc người dân thường có thái độ ứng xử mềm dẻo, không gây căng thẳng và có ý tránh (hoặc kiềng) các đối tượng này ra. Trong một số trường hợp, họ chỉ đơn giản thực hiện biện pháp yêu cầu không tác nghiệp nữa, rút khỏi nơi thực hiện chương trình là xong, chứ không tiến hành đấu tranh, xác minh tận gốc đối tượng vi phạm. Lâu dần, các đối tượng không còn lo ngại bị phát hiện và cũng không ngán việc xử lý mạo danh.

Cẩn trọng trước tình trạng mạo danh báo chí truyền hình - Ảnh 3.

Thẻ giả mạo được các đối tượng đưa ra nhằm tạo niềm tin cho người dân

Bên cạnh việc xử lý chưa nghiêm, khả năng trấn áp vi phạm chưa cao thì không thể phủ nhận khả năng nhanh nhạy của các doanh nghiệp truyền thông trong việc tiếp cận thị hiếu khách hàng, nắm bắt nhu cầu tuyên truyền, quảng bá của các doanh nghiệp, các cơ quan tổ chức. Trong nhiều vụ việc, các doanh nghiệp truyền thông có thể nắm bắt nhu cầu của khách hàng với thời gian dự đoán dài trước đó.

Chẳng hạn, các doanh nghiệp đang trong diện xét tặng thưởng huân, huy chương, danh hiệu anh hùng... đã được tiếp cận mời chào tuyên truyền, quảng bá cho sự kiện. Với thành tích được phong tặng huân huy chương, danh hiệu cao quý của nhà nước, bất cứ doanh nghiệp nào cũng đều mong muốn được tuyên truyền, quảng bá uy tín rộng rãi trong xã hội. Vì vậy, khi có công ty truyền thông tiếp cận và mời chào sản xuất chương trình thì họ đều nhiệt tình hợp tác, đáp ứng các yêu cầu về kinh phí sản xuất chương trình được đề xuất. Điều này cũng phần nào phản ánh nhu cầu khách hàng trong thời kỳ phát triển kinh tế mạnh mẽ của đất nước. Muốn dẹp bỏ tận gốc tệ nạn mạo danh báo chí truyền hình, thì Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng và các tổ chức truyền hình khác nói chung phải đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của thị trường truyền thông.

Cẩn trọng trước tình trạng mạo danh báo chí truyền hình - Ảnh 4.

Biển hiệu của một công ty giả mạo là đơn vị trực thuộc Đài Truyền hình Việt Nam

Lĩnh vực sở hữu trí tuệ vẫn được coi là lĩnh vực mới mẻ, phức tạp và có nhiều tranh cãi tại Việt Nam hiện nay. Gốc rễ của tình trạng mạo danh là vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với logo, nhãn hiệu và tên thương mại của Đài Truyền hình Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí truyền hình nói chung. Trong khi thế giới đã có cả thế kỷ phát triển về lĩnh vực bản quyền, quyền sở hữu công nghiệp thì ở Việt Nam vẫn đang chập chững những bước đi đầu tiên của sự hội nhập về sở hữu trí tuệ. Việc nâng cao ý thức pháp luật về nhãn hiệu, bản quyền của xã hội nói chung và của các doanh nghiệp nói riêng là yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Tuyên truyền, phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ không phải việc một sớm một chiều mà xong. Đây là một quá trình lâu dài, cần hình thành ý thức cho mọi công dân từ ngay giai đoạn đầu đời.

Nhìn chung lại, bên cạnh việc đa dạng hóa các dịch vụ truyền hình và chủ động đấu tranh xử lý vi phạm của mỗi cơ quan báo chí truyền hình, thì chỉ có tăng cường tuyên truyền nâng cao kiến thức pháp luật, kết hợp với hoạt động xử phạt nghiêm khắc của các cơ quan chức năng thì tình trạng vi phạm mạo danh báo chí truyền hình mới có thể được chấm dứt triệt để.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước