Trong hai ngày 21 và 22/11 tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức Hội nghị triển khai Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo ngành văn hóa các địa phương trên toàn quốc, các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ quy định rõ trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp văn hóa không chỉ của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch mà còn của các bộ, ngành, địa phương liên quan, đặc biệt là các địa phương trọng điểm phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một bước để nâng cao nhận thức xã hội, khuyến khích doanh nghiệp và các tổ chức xã hội phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã tập trung đánh giá, phân tích những kết quả đạt được và tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp văn hóa thời gian qua. Một số ý kiến cũng nhìn nhận về tầm quan trọng của phát triển thương hiệu quốc gia trong các lĩnh vực công nghiệp văn hóa; giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa cả về số lượng và chất lượng.
Trong giai đoạn 2018 - 2022, giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đóng góp hơn 4% tổng GDP của quốc gia. Hội nghị triển khai Chỉ thị 30 là dịp để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội nhận diện thời cơ, thách thức của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam; từ đó có những giải pháp, lộ trình tháo gỡ những bất cập hiện nay, từng bước xây dựng và phát triển các thương hiệu quốc gia của ngành công nghiệp văn hóa trong thời gian tới.
Hội nghị được tổ chức với mục đích phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Chỉ thị số 30; trong đó làm rõ những nhiệm vụ cụ thể được giao cho các bộ, ngành, địa phương, các hội, hiệp hội và các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan. Tại hội nghị các đại biểu tham dự cũng đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm đối với các nhóm vấn đề thực tiễn trong thời gian qua nhìn từ góc độ các nhà quản lý, chuyên gia, tổ chức, doanh nghiệp; đề xuất mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp bổ sung vào Dự thảo chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với xu hướng phát triển hiện nay của đất nước; đồng thời phát huy, quảng bá các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của văn hóa, truyền thống dân tộc Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!