Đẩy mạnh phối hợp truyền thông về nông nghiệp, nông thôn

CA-Thứ năm, ngày 18/12/2014 16:28 GMT+7

Hội thảo "Sản xuất chương trình truyền hình về đề tài nông nghiệp và phát triển nông thôn" tại LHTHTQ lần thứ 34

Nằm trong khuôn khổ LHTHTQ lần thứ 34, hội thảo "Sản xuất chương trình truyền hình về đề tài nông nghiệp và phát triển nông thôn" đã diễn ra trong sáng nay (18/12).

Buổi hội thảo có sự tham dự của ông Phạm Việt Tiến  - Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam; ông Đỗ Quốc Khánh, Trưởng Ban Khoa giáo, Đài THVN; ông Nguyễn Lâm Thanh - Phó Trưởng Ban Khoa giáo, Đài THVN; TS. Phan Huy Thông - Giám đốc trung tâm Khuyến nông Quốc Gia; TS. Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp cùng các vị đại biểu đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và một số đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Hội thảo "Sản xuất chương trình truyền hình về đề tài nông nghiệp và phát triển nông thôn" là diễn đàn để các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng những người làm truyền hình chia sẻ và tìm ra các hình thức phối hợp truyền thông có hiệu quả nhất.

Trong buổi hội thảo, các tham luận đã đề cập đến một số nội dung chính như việc phối hợp truyền thông giữa Đài THVN với Bộ NN và PTNT, giữa các trung tâm khu vực, các đài TH địa phương với Đài THVN trong việc sản xuất các chương trình truyền hình; chia sẻ những thuận lợi, khó khăn trong việc sản xuất các chương trình truyền hình về đề tài nông nghiệp và phát triển nông thôn; đề xuất giải pháp để nâng cao chất lượng các chương trình nông nghiệp, nông thôn...

Hội thảo cũng đánh giá việc phối hợp tuyên truyền về Nông nghiệp - Nông thôn giữa Ban Khoa giáo và Bộ Nông nghiệp và PTNT, về việc phối hợp sản xuất phát sóng các đề tài nông nghiệp giữa Ban Khoa giáo và các Trung tâm khu vực trong thời gian qua cũng như định hướng thông tin tuyên truyền về đề tài Nông nghiệp và phát triển nông thôn trên các kênh truyền hình.

TS. Phan Huy Thông - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã trình bày tham luận về việc phối hợp thông tin tuyên truyền về lĩnh vực Khuyến Nông trên các kênh sóng của VTV trong những năm vừa qua và những năm sắp tới.

Trong phần tham luận, TS. Phan Huy Thông cho biết trong những năm qua, Bộ NN và PTNT và Đài THVN đã đẩy mạnh phối hợp truyền thông về nông nghiệp, nông thôn. Trung tâm KNQG đã phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với Ban Khoa giáo - Đài THVN để tổ chức các hoạt động tuyên truyền khuyến nông nhằm phổ biến khoa học công nghệ tiên tiến, kinh nghiệm sản xuất, phản ánh các gương điển hình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có hiệu quả cao, cung cấp thông tin sản xuất cải tiến để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của nông dân. Các chuyên mục khuyến nông trên VTV2 như “Nông dân cần biết”, “Bạn của nhà nông”, “Bàn với nông dân cách làm giàu" và từ năm 2014 là “Nhịp cầu khuyến nông” đã trở nên quen thuộc trên sóng truyền hình toàn quốc và phát huy hiệu quả tuyên truyền rất rõ rệt.

Với nội dung tuyên truyền đa dạng, thường xuyên cập nhật kiến thức khoa học công nghệ mới, thời lượng và thời gian phát sóng được tính toán hợp lý, các chuyên mục khuyến nông trên kênh VTV2 đã thu hút sự quan tâm theo dõi và trở thành kênh thông tin không thể thiếu đối với hàng ngàn cán bộ khuyến nông và nông dân.

Bên cạnh việc phối hợp truyền thông, thì việc phối hợp sản xuất các chương trình cũng là một vấn đề quan trọng. Tham luận của nhà báo Trần Thanh Huyền ở Đài PT-TH Nghệ An đã đề cập đến việc trao đổi, phối hợp sản xuất chương trình giữa Đài PT-TH Nghệ An với Đài THVN cùng các đài trong cả nước.

Nhà báo Trần Thanh Huyền cho biết, trong nhiều năm qua, Đài PT-TH Nghệ An luôn chú trọng trao đổi, phối hợp sản xuất các chương trình với VTV. Nhiều tin bài, phóng sự có chất lượng, có vấn đề, đột xuất… đều được đài PT-TH Nghệ An sản xuất, gửi phát sóng trên các kênh sóng của VTV kịp thời, đáp ứng yêu cầu chất lượng. Số lượng tin, phóng sự gửi VTV phát sóng tăng lên hàng năm (tin tức thời sự, các chương trình, chuyên mục chuyên đề, phim tài liệu...).

Đài PT-TH Nghệ An cũng đẩy mạnh hợp tác, trao đổi với các Đài trong nước như Điện Biên, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Lào Cai, Vĩnh Long... nhằm trao đổi tin tức, đặc biệt là các phóng sự về điển hình tốt, cách làm hay, tạo sự phong phú thêm cho nội dung chương trình. Ngược lại, Đài cũng đã chủ động kết nối với các Đài trong khu vực và trong cả nước để đặt hàng, gửi các tin bài có ý nghĩa và nội dung mang tính phổ quát nhất để phát sóng trên kênh NTV.

Nhà báo Phan Quang Hưng - Giám đốc Đài PT-TH Lào Cai cũng cho biết trong thời gian vừa qua, Ban lãnh đạo Đài PT-TH Lào Cai đã chỉ đạo các phòng chuyên môn tích cực gửi tin bài, phóng sự về đề tài nông nghiệp, nông dân, nông thôn cộng tác với VTV. Không chỉ có những mô hình hay, những điển hình tốt, mà cả những khó khăn, bất cập trong thực tiễn phát triển ở các địa bàn nông thôn vùng cao đều được phản ánh bằng góc nhìn tích cực, nhằm hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào.

Tuy nhiên, cũng theo TS. Phan Huy Thông, bên cạnh những kết quả tích cực nêu trên, việc phối hợp tuyên truyền khuyến nông trên truyền hình trong thời gian qua còn một số hạn chế như nội dung thông tin, tuyên truyền còn dàn trải, một số chuyên đề chưa tập trung bám sát vào các đối tượng sản xuất theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp; cơ cấu nội dung tuyên truyền chưa hợp lý; hình thức thể hiện còn đơn điệu... Nhằm thực hiện tốt hơn chương trình phối hợp công tác giữa Bộ NN và PTNT và Đài THVN về thực hiện thông tin, tuyên truyền lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công tác thông tin tuyên truyền khuyến nông trên hệ thống truyền hình của Trung ương và địa phương sẽ tiếp tục đổi mới cả về nội dung và hình thức để nâng cao hiệu quả tuyên truyền, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của nông dân trong cả nước.

Về giải pháp cho việc sản xuất các chương trình truyền hình, theo ông Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam thì sự hợp tác giữa các Đài Trung ương với các đơn vị thường trú và các đài địa phương là rất quan trọng. Sự hợp tác giúp cho chương trình phát sóng vừa phong phú, vừa cập nhật các vấn đề thời sự. Không phải ở đâu Đài Trung ương cũng có thể cử ngay người tới để ghi hình, vì vậy, nên có một cơ chế thoáng hơn để các bộ phận ở địa phương đóng góp được nhiều hơn cho các chương trình phục vụ nông dân. Trong thực tế, phóng viên địa phương nắm rất sát tình hình. Họ đánh giá chính xác các mô hình áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật ở địa phương. Vì vậy, phải tham khảo ý kiến của họ khi tác nghiệp ở địa phương.

Sau buổi hội thảo, ông Phạm Việt Tiến - Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam chia sẻ: "Trong thời gian tới, Đài THVN sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ NN và PTNT, các cơ quan chuyên ngành của Bộ để nắm rõ được chính sách, định hướng và quan trọng hơn là hiểu rõ để đưa những chính sách, hoạch định đó thông qua tác phẩm trên sóng truyền hình đến với người nông dân. Bên cạnh đó, những người làm truyền hình về đề tài nông nghiệp, nông thôn phải hiểu được rõ người nông dân có suy nghĩ gì, đòi hỏi gì, có xem chương trình mình làm ra không. Đặc biệt, tránh suy nghĩ các chương trình về nông nghiệp, nông thôn không có sự hiện đại như các chương trình khác, mà ngược lại phải áp dụng tối đa và triệt để công nghệ truyền hình mới để sản xuất chương trình".

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước