Là nội dung lần đầu tiên được đề cập tại Liên hoan Truyền hình toàn quốc, Hội thảo quốc tế "Truyền thông mới - Những cơ hội và thách thức đối với các đài truyền hình trong kỷ nguyên Internet" với sự tham gia diễn thuyết của diễn giả Hàn Quốc và Nhật Bản đã thu hút sự quan tâm của đông đảo đại biểu dự LHTHTQ lần thứ 34.
Ngoài những chia sẻ về chiến lược phát triển của VTV trong kỷ nguyên Internet, các đại biểu cũng được lắng nghe những kinh nghiệm làm truyền hình bước đầu gắn với Internet của hai Đài Truyền hình lớn trên thế giới là KBS (Hàn Quốc) và TBS (Nhật Bản). Tại đó, các diễn giả đều có chung quan điểm, làm truyền hình trong môi trường truyền thông mới cần xem xét tới nhu cầu, sở thích của giới trẻ và nên phát triển truyền hình tương tác.
"Truyền hình tương tác, truyền hình hướng tới giới trẻ, phát triển truyền hình trên các thiết bị thông minh là những xu hướng đặt ra trong quá trình phát triển ngành truyền hình trong môi trường truyền thông mới - kỷ nguyên Internet". Đây là nhận định được các diễn giả và đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo đồng tình ủng hộ khi bàn tới những cơ hội phát triển trong tương lai.
Diễn thuyết về chiến lược phát triển của KBS World trong kỷ nguyên truyền thông mới, ông Lee Dokyung - Giám đốc kênh và nội dung cho biết: "Ở KBS World, chúng tôi sử dụng chiến lược truyền thông chéo, đưa khán giả đến gần hơn với truyền hình qua các sự kiện được Đài phát động, ví dụ như để khán giả tự quay video về một chủ đề nhất định và gửi về Đài, sau đó sẽ được Đài chọn lọc phát sóng trên truyền hình. Hay, trong dịp kỷ niệm 10 năm thành lập, chúng tôi có đưa lên YouTube video nhóm nhạc nổi tiếng 2PM hát ca khúc kỷ niệm dành cho KBS và kêu gọi khán giả hát theo rồi đăng lại video. Chiến dịch này đã thu hút rất nhiều bạn trẻ và đó là một cách chúng tôi kéo khán giả tới gần hơn với truyền hình trong kỷ nguyên Internet". Còn với Đài TBS, họ đã có chiến lược kết hợp làm truyền hình với việc sử dụng mạng xã hội. Điều này cũng nhắm vào đối tượng khán giả trẻ, lôi kéo họ đến gần hơn với truyền hình.
Đông đảo đại biểu tham dự hội thảo
Trả lời những thắc mắc của các đại biểu về giải pháp giữ chân khán giả truyền hình trước thực trạng giới trẻ hiện nay đang bị cuốn vào Internet, mạng xã hội, ít thời gian xem truyền hình, ông Lee Dokyung cho biết, KBS đã hướng tới phát triển các chương trình truyền hình mà khán giả có thể tham gia chia sẻ cảm nhận thông qua điện thoại để phù hợp với nhu cầu của giới trẻ và vẫn giữ họ ở lại với truyền hình. Lý giải thêm về điều này, ông Lee Dokyung nói: "Hiện nay, xu hướng phát triển thiết kế màn hình di động ngày càng rộng, kết nối truyền thông qua mạng điện thoại sẽ phát triển không ngừng nên con đường để truyền hình tồn tại là thiết kế nội dung chương trình phù hợp với việc chạy ứng dụng trên các thiết bị di động".
Trong xu hướng truyền thông mới, các diễn giả cho rằng, đối với một Đài Truyền hình, "vũ khí" để có thể cạnh tranh với Internet, với mạng xã hội chính là việc phát triển thêm nội dung chương trình, tăng tính tương tác, tìm đường truyền dẫn cao hơn trên Internet, tìm hiểu những nền tảng mới để phát triển truyền hình đa phương tiện và đa dạng hóa các kênh phát sóng.
Bên cạnh đó, liên quan đến vấn đề bản quyền truyền hình, đại diện Đài KBS và TBS cũng chia sẻ những hướng giải quyết vấn đề này, đó là: hợp tác với các nhà tài trợ để có sự thỏa thuận khi khai thác chương trình hay yêu cầu ngừng phát sóng chương trình nếu phát hiện chương trình tự động đăng tải lên các trang mạng mà chưa có sự đồng ý của Đài truyền hình,...
Kết thúc hội thảo, các diễn giả nhấn mạnh đến hướng phát triển của truyền hình trong kỷ nguyên Internet. Ở đó, các diễn giả đều đồng tình: "Muốn phát triển hơn nữa ngành truyền hình trong tương lai, cần nghiên cứu xu hướng của giới trẻ và điểm mấu chốt là phải tiếp cận họ qua điện thoại thông minh. Bên cạnh đó, truyền hình tương tác được xem là điểm nhấn quan trọng trong kỷ nguyên Internet".