Trong khoảng 3 tuần gần đây, khu vực miền Trung liên tiếp phải hứng chịu nhiều thiên tai, trong đó có đến 4 cơn bão lớn, đặc biệt là cơn bão số 9, được đánh giá là một trong những cơn bão mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua. Sự khốc liệt của thiên tai, những đau thương mất mát, những câu chuyện của những người trong cuộc... là những gì mà chương trình Đối mặt với thiên tai mang đến và chia sẻ cùng với khán giả, cùng với đó là những phân tích, bình luận để từ đó chúng ta có cách đối mặt với thiên tai khi ngày càng hung dữ và khốc liệt hơn.
Ngay phần mở đầu, khán giả đã được nghe BTV Tùng Thư, một trong những phóng viên của VTV có mặt tại các tỉnh miền Trung trong đợt bão lũ kinh hoàng vừa qua.
Nói về trải nghiệm khó quên nhất trong chuyến công tác vừa rồi, BTV Tùng Thư cho biết: "Tôi nhớ đó là khoảnh khắc vào 21h ngày 28/10 vừa qua, khi mọi người trong đoàn công tác đã thấm mệt. Lúc đó, chúng tôi đều cảm thấy nhẹ lòng khi chưa có thương vong trên đất liền nhưng ngay lập tức sau đó chúng tôi nhận được tin dữ, đó là một vụ sạt lở đất kinh hoàng đã xảy ra, cuốn đi cả một làng, một xóm. Đó thực sự là câu chuyện không thể tượng tưởng nổi".
Đối mặt với thiên tai khiến khán giả rùng mình khi được xem lại hình ảnh về những nơi cơn bão số 9 đã đi qua. Dù công tác ứng phó đã được chuẩn rất cẩn trọng ngay từ rất sớm thế nhưng những thiệt hại vẫn không thể tránh khỏi. Quảng Nam và Quảng Ngãi là hai tỉnh chịu thiệt hại nhiều nhất khi là nơi tâm bão đi qua. Trong đó, Quảng Nam là địa phương có thiệt hại nặng nề nhất về người còn Quảng Ngãi là địa phương thiệt hại nặng nề nhất về tài sản.
Tính đến 17h ngày hôm nay (31/10), bão số 9 đã khiến cho 79 người thiệt mạng và mất tích, trong đó do sạt lở đất là 45 người, do bão là 23 người, do lũ là 2 người còn 9 người khác vì nguyên nhân khác. Hàng loạt căn nhà bị tốc mái, nhiều nhà bị hư hỏng hoàn toàn, cây cối, cột điện ngã đổ la liệt gây nên cảnh tan hoang ở nhiều nơi.
Quảng Nam là địa phương thiệt hại lớn nhất về người do ảnh hưởng của cơn bão số 9. Hàng trăm ngôi làng miền núi ở Quảng Nam bị sạt lở. Hai xã Trà Vân và Trà Leng của huyện Nam Trà My chịu nhiều tổn thất về người nhất. Vụ sạt lở ở huyện Nam Trà My đã khiến những phóng viên của VTV có mặt tại hiện trường không khỏi ám ảnh và cho biết họ đã nghẹn ngào không nói nên lời trước cảnh tượng tang tóc. Sự tàn phá của thiên tai đã bỗng chốc khiến cho những gia đình mất đi 7-8 người, ngôi làng bình yên ngày nào giờ chìm trong tang thương.
Phóng viên Đỗ Vinh nói trong nước mắt khi chưa bao giờ anh được nhìn thấy khung cảnh kinh hoàng, đau đớn và tang thương như vậy dù đã nhiều năm gắn bó với vùng đất miền Trung.
Chương trình Đối mặt với thiên tai mang đến nhiều câu chuyện cảm động. Trong đó có câu chuyện xảy ra sau trận sạt lở ở Nam Trà My khiến 3 đứa trẻ ngây thơ, hồn nhiên bỗng dưng mồ côi cả cha lẫn mẹ. Hay câu chuyện đau lòng của em Hồ Thị Điệp, học sinh lớp 11, trường THPT Nam Trà My, được thầy cô giữ lại ở trường vì lo bão số 9. Nhờ đó, em may mắn thoát nạn nhưng bố mẹ của em thì không còn sống sót. Những ngôi mộ ngay hiện trường là nơi an nghỉ của những người xấu số. Những mất mát, những nỗi đau biết bao giờ mới có thể vơi bớt.
Đối mặt với thiên tai còn có những hình ảnh tại bệnh viện, nơi các bệnh nhân của vụ sạt lở tại huyện Nam Trà My được đưa đến chữa trị. Khán giả đã được nghe những nhân chứng kể lại vụ việc trong hoàn cảnh vẫn còn hoảng loạn và thất thần.
Vì sao những vụ sạt lở liên tiếp xuất hiện và xảy ra khủng khiểp như thế nào? Chúng ta có thể dự báo được các vụ sạt lở không và dự báo được trước thời gian bao lâu? Bài học chúng ta cần rút ra là gì? Những khi thiên tai xuất hiện thì ai sẽ là người cứu chúng ta?
BTV Tùng Thư đã có những giải thích cặn kẽ và chi tiết để đưa câu trả lời đến với khán giả. Bên cạnh đó còn có những phân tích của các chuyên gia về thiên tai để khán giả hiểu hơn.
Sống trên dải đất hình chữ S kéo dài hơn 3.000km giáp biển thì việc phải đối mặt với thiên tai là chuyện mà cha ông chúng ta đã phải quen từ ngàn đời nay. Chúng ta và con cháu chúng ta phải tìm cách đối mặt và cố gắng để làm sao không phải chịu quá nhiều thiệt hại.
Chúng ta còn phải chuẩn bị tinh thần đón thêm nhiều cơn bão nữa khi hậu quả nặng nề của các cơn bão trước vẫn còn. Và nếu còn có sự chủ quan, không được chuẩn bị kỹ thì sẽ còn có thêm nhiều mất mát. Hơn lúc nào hết, cần có những trái tim nóng chia sẻ hướng về miền Trung mà còn cần có cả những bộ óc tỉnh táo để nghĩ việc chúng ta cần làm gì để phòng chống thiên tai một cách hiệu quả và bền vững nhất.
Do ảnh hưởng của bão số 9, lũ trên các sông ở Quảng Bình, Quảng Trị và sông Thu Bồn, Quảng Nam dâng lên. Nhiều nơi bị ngập trong biển nước.
Cho đến ngày hôm nay, miền Trung vẫn còn mưa lớn. Tại tỉnh Nghệ An, có những xã ở huyện Thanh Chương đã bước sang ngày thứ 4 bị chia cắt với bên ngoài do nước lũ vẫn dâng cao.
Những thiệt hại về cơn bão số 9 còn chưa khắc phục hết thì Việt Nam lại chuẩn bị đón những con bão mới. Theo dự báo, khoảng 3 ngày nữa tức là sang đầu tháng 11 có thể xuất hiện một vùng áp thấp trên khu vực vùng biển Philippines.
Vấn đề cần chú ý lúc này lũ trên nhiều sông ở miền Trung vẫn đang ở mức cao, gây ra tình trạng ngập lụt. Đặc biệt là sông Thạch Hãn ở Quảng Trị, sông Kiến Giang tại Lệ Thủy, Quảng Bình lên mức báo động khẩn cấp. Các sông Thu Bồn, Vu Gia tại Quảng Nam và Trà Khúc, Quảng Ngãi mực nước cũng dao động ở mức cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!