Gala Ngày trở về 2016: Hành trình tìm lại đấu chân người Việt tưởng chừng đã bị lãng quên

PV-Thứ tư, ngày 10/02/2016 06:00 GMT+7

VTV.vn - Trong hành trình ngược dòng lịch sử tìm đến những vùng đất xa xôi trên thế giới, Gala Ngày trở về 2016 đã mang đến cho khán giả những câu chuyện vô cùng đặc biệt.

Gala Ngày trở về 2016 với chủ đề "Dấu chân người Việt" đã tái hiện những câu chuyện lịch sử tưởng chừng như đã dần bị quên lãng. Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra với ê-kíp thực hiện chương trình về thế hệ người Việt đầu tiên rời xa quê hương như "Số phận của họ ra sao? - Họ thành công hay thất bại? - Liệu lịch sử có ghi lại những dấu chân của họ trên mảnh đất đã từng đến?". Để tìm lời giải đáp cho những câu hỏi đó, các BTV Hoàng Linh, Hồng Nhung, Phương Anh và Hoài Lương đã bắt đầu hành trình đến những nơi mà ít ai có thể ngờ rằng người Việt đã từng đặt chân tới.

Sau những chuyến đi ấy, các BTV đã nhận ra rằng những gì mà người con đất Việt làm được đã trở thành một phần đáng ghi nhớ và trân trọng ở chính vùng đất họ đặt chân tới. Không chỉ tìm thấy câu trả lời, các BTV còn mang đến cho khán giả những câu chuyện và cảm xúc khó quên.

Bắt đầu từ vùng đất chết...

Gala Ngày trở về 2016 bắt đầu với hành trình đầu tiên của BTV Hồng Nhung và Phương Anh để tìm lại dấu chân người Việt tại Guyane - một tỉnh hải ngoại và là phần lãnh thổ lớn nhất của Pháp tại Nam Mỹ. Guyane từng được ví là mảnh đất của sự chết chóc vì đây là nơi lưu đầy tù nhân của thực dân Pháp. Tại nơi được coi là "nấm mồ xanh chôn vùi mọi mạng sống", có hơn 500 tù nhân An Nam đã bị vắt kiệt sức lực do lao động khổ sai.

Hồ sơ về những số phận bi kịch bị đầy ải khốn cùng ở ba trại tù đặc biệt dành cho người An Nam tại Inini, Guyane vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay. Ba nhà tù dành cho người An Nam nằm sâu trong rừng Amazon với điều kiện thời tiết và làm việc hết sức khắc nghiệt. Nhiều người đã nghĩ đến việc trốn thoát khỏi vùng rừng thiêng nước độc nhưng ở xứ sở của cái chết này, việc chạy trốn là không thể.

Trong số những tù nhân An Nam ngày đó, đã có nhiều người bỏ mạng ở chốn lao tù. Với những người còn lại, cuộc sống cũng không hề dễ dàng. Tuy nhiên bằng sự chăm chỉ, cần mẫn, với ý chí kiên cường, mạnh mẽ những cựu tù An Nam đã tạo được những dấu ấn riêng của mình và ngày nay con cháu của họ vẫn còn sinh sống tại đây.

... đến những người dân Việt từng bị lãng quên gần 70 năm trên đất Pháp

Sau chuyến đi đến Camargue, miền Nam nước Pháp, BTV Hoài Lương có mang về một túi gạo mang thương hiệu của vùng đất này. Loại gạo tròn, màu ngả vàng là một trong những loại gạo lâu đời nhất ở Pháp, được trồng từ đầu thập niên 40 của thế kỉ trước. Nhiều người không thể biết được chính nhờ những người nông dân Việt Nam cần cù, chất phác mà vùng Camargue mới có một thương hiệu gạo đặc sản nổi tiếng như ngày nay.

Vào năm 1939, những người nông dân Việt Nam bị chính quyền thực dân cưỡng bức sang lao động cực nhọc tại các nhà máy sản xuất vũ khí, phục vụ cho Pháp tham chiến trong chiến tranh thế giới thứ II. 500 người trong số này bị đưa về Camargue, miền Nam nước Pháp để trồng lúa. Với đức tinh cần cù, nhẫn nại vốn có của người Việt và đặc biệt là kinh nghiệm trồng lúa do cha ông truyền lại, những người nông dân Việt Nam đã để lại dấu ấn với nghề trồng lúa trên đất Pháp.

Câu chuyện này đã từng bị lãng quên và phải đợi đến gần 70 năm sau, những đóng góp của hơn 20.000 lính thợ - những người Việt phải sống và làm việc trong điều kiện không khác gì nô lệ mới được công nhận.

Gala Ngày trở về 2016 còn là những câu chuyện về cộng đồng người Việt ở các nơi trên thế giới như Đức, Mỹ... và những gương mặt người Việt nổi bật với dấu ấn trí tuệ vô cùng trân trọng và đáng quý.

Hành trình đi tìm dấu chân người Việt ở nhiều nơi trên thế giới của Gala Ngày trở về 2016 là những câu chuyện đầy cảm xúc về người Việt, về những hành trình của chính người Việt nơi xứ người. Đó là những số phận, những cuộc đời nhiều đau khổ trong thân phận tù đày, với những cuộc mưu sinh nhọc nhằn, bền bỉ để vươn tới thành công hay những con người góp phần làm rạnh danh trí tuệ Việt. 

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước