Giải pháp nào để nông sản Việt Nam có chỗ đứng trên bản đồ thương hiệu nông sản thế giới?

Ban Khoa giáo-Thứ năm, ngày 10/01/2019 11:45 GMT+7

VTV.vn - Cùng tìm hiểu về những khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam và giải pháp cho vấn đề này trong chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ.

Là quốc gia có nền sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông sản được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng, đánh giá cao. Tuy nhiên, có một nghịch lý là khoảng 80% lượng nông sản của Việt Nam vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, không có logo, nhãn mác. Đây là một bất lợi lớn, làm giảm sức cạnh tranh của các loại nông sản Việt trên thị trường thế giới.

Những khó khăn trong quá trình xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam là gì?

Công cuộc cải cách kinh tế trong những năm qua giúp Việt Nam trở thành một trong những nước sản xuất nông nghiệp hàng đầu thế giới. Cụ thể, Việt Nam đứng thứ 2 tại Đông Nam Á và thứ 13 trên thế giới về xuất khẩu nông sản với tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản trong 10 năm qua (2008 - 2017) đạt 261,28 tỷ USD, tăng bình quân 9,24%/năm, trong đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2017 đạt 36,51 tỷ USD.

Mặc dù kim ngạch tăng đều hàng năm nhưng nông sản Việt Nam có thương hiệu quốc tế không nhiều. Có những sản phẩm bán ra thị trường thế giới nhưng lại thông qua thương hiệu nước ngoài.

Gạo, cà phê, hạt điều, chè… là những mặt hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam. Tuy nhiên, các mặt hàng này chủ yếu ghi điểm ở số lượng xuất khẩu còn về thương hiệu thì hầu như không được biết đến.

Điển hình như chè Việt Nam là một sản phẩm có tên gọi, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý, thương hiệu ở tầm quốc gia và hiện có tới 80% sản lượng chè sản xuất trong nước được xuất khẩu tới hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ. Mặc dù vậy, rất ít người tiêu dùng nước ngoài biết đến thương hiệu chè Việt Nam. Lý do là phần lớn chè của nước ta được xuất khẩu dạng thô, rời, chưa chế biến sâu. Các doanh nghiệp nước ngoài sau khi nhập về mới chế biến và bán ra dưới tên, thương hiệu chè của nhiều nước như Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc…

Có thể nói việc xây dựng thương hiệu nông sản tại Việt Nam hiện nay mới dừng ở mức khuyến khích. Nhiều địa phương và doanh nghiệp chưa thực sự thấy rõ vai trò và ý nghĩa của việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu hàng nông sản, đặc biệt là trong giai đoạn hội nhập. Bên cạnh đó, hàng nông sản của Việt Nam chịu nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh… Điều này gây cản trở chiến lược xây dựng thương hiệu nông sản Việt.

Vậy giải pháp nào để nông sản Việt có chỗ đứng trên bản đồ thương hiệu nông sản thế giới?

Để trả lời câu hỏi này, chương trình Câu chuyện Sở hữu trí tuệ đã mời tới trường quay PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh - Trưởng bộ môn Quản trị Thương hiệu, Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Các giải pháp được PGS. TS. Nguyễn Quốc Thịnh đưa ra gồm:

- Phải quy hoạch được vùng sản xuất tập trung cho những nông sản xuất khẩu chủ lực.

- Kiểm soát chặt chẽ chất lượng nông sản ngay từ khâu nuôi, trồng, thu hoạch, chế biến, cung ứng xuất khẩu.

- Tăng cường nhận thức của bản thân doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp nhận thấy rằng việc xây dựng thương hiệu cho sản phẩm xuất khẩu của doanh nghiệp mình là quyền lợi mang lại những giá trị tiềm năng rất cao cho doanh nghiệp trong tương lai.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước