Ở giai đoạn đầu của khởi nghiệp, các start-up thường tự đặt câu hỏi: Liệu có nên bỏ công việc hiện tại để khởi nghiệp hay không? Làm thế nào để chắc chắn rằng con đường mình đang đi là đúng đắn.
Ở những bước tiếp theo, những vấn đề khó khăn của kinh doanh bắt đầu nảy sinh, từ khả năng bán hàng, giải quyết khiếu nại khi bán hàng, vốn, xung đột nhóm... Ngay cả khi doanh nghiệp đã phát triển mạnh, câu hỏi thường trực đối với các start-up là đi tiếp như thế nào để có thể phát triển mạnh hơn.
Tất cả những lúc đó, các start-up đều cần tới một mentor, hay còn gọi là cố vấn khởi nghiệp. Những người trẻ khi bắt đầu với con đường start-up thường mong muốn có được cơ duyên đối với những mentor. Tuy nhiên, để tìm được một mentor tốt lại không đơn giản.
Trước hết, start-up cần phải tự tin vào chính việc mình đang làm. Dù chưa thành công nhưng start-up cần phải vững tin vào chính mình và các cộng sự. Các mentor thường là những người đã thành đạt, do đó, họ rất bận với nhiều công việc. Vì vậy, mentor sẽ chỉ lựa chọn hỗ trợ những start-up mà họ thấy xứng đáng để dành thời gian. Các start-up cần chứng minh sự quyết tâm khi theo đuổi con đường khởi nghiệp và mang lại giá trị thực sự.
Ngoài ra, các start-up cũng cần mở lòng hơn. Khi các start-up thực lòng chia sẻ về kế hoạch tương lai, những khó khăn, thắc mắc cần giải đáp, các mentor mới có thể đưa ra những lời khuyên trúng đích hơn, mang lại những hiệu quả nhất định.
Các start-up có thể tìm gặp các mentor thông qua các cuộc thi, các chương trình khởi nghiệp. Đó là những nơi mà mọi người có thể chia sẻ, kết nối với nhiều chuyên gia, những người có kinh nghiệm trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!