Khởi nghiệp chưa bao giờ là con đường dễ dàng đối với một start-up. Vì vậy, khởi nghiệp không phải là con đường nên đi một mình. Một mentor (cố vấn khởi nghiệp) có thể giúp các start-up có được những định hướng phát triển tốt nhất.
Mentor có nhiệm vụ hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là những bạn khởi nghiệp chưa có đủ các kiến thức, trình độ, kinh nghiệm để có thể khởi nghiệp thành công. Mentor sẽ kích hoạt sự quyết tâm của start-up, đưa ra những câu hỏi để start-up tự trả lời và tự mình ứng dụng vào thực tế, tìm người có chuyên môn để hỗ trợ thêm cho start-up, tìm kiếm và kết nối những nguồn năng lực giúp start-up được hỗ trợ thêm về vốn, trình độ, kiến thức...
Các mentor đóng vai trò rất lớn đối với những bước đi đầu tiên trong khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ các mentor ở giai đoạn đầu, các start-up có thể gặp nhiều khó khăn về mặt phát triển kinh doanh, gọi vốn, quản lý tài chính...
Trước khi tìm tới một mentor tốt và giỏi, các start-up nên chuẩn bị các kiến thức khởi nghiệp vững vàng. Các mentor giỏi đều là những doanh nhân thành đạt, có rất ít thời gian để hướng dẫn tận tình cho những người khác. Khi các mentor đã dành thời gian cho các start-up đồng nghĩa với việc họ tin tưởng vào tiềm năng, tương lai của các start-up đó. Do đó, các start-up cần phải chứng minh được tiềm năng của mình đối với các mentor.
Để tìm được một mentor phù hợp, start-up nên tìm người mà trước đây từng trải qua những việc tương tự như start-up đang làm, như cùng tốt nghiệp từ một trường Đại học hay cùng làm trong một ngành nghề. Việc chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm giữa mentor và start-up là vô cùng quan trọng để hai bên có thể tìm được tiếng nói chung hay những điểm có thể đồng cảm với nhau. Điều này sẽ giúp mentor dễ dàng đồng ý với đề nghị trợ giúp từ start-up hơn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!