Không thể không làm phim "Biên giới Tây Nam - Cuộc chiến tranh bắt buộc"

Hoàng Hường (thực hiện)-Thứ sáu, ngày 10/01/2014 08:22 GMT+7

10 tập phim tài liệu “Biên giới Tây Nam – Cuộc chiến tranh bắt buộc” đang phát sóng trên VTV1 đối với nữ đạo diễn Lê Phong Lan là bộ phim không thể không làm cho dù chị đang ấp ủ những kế hoạch khác...

Trong cuộc phỏng vấn gần đây chị có chia sẻ ý định tạm dừng thực hiện những bộ phim tài liệu về chiến tranh để chuyển sang các đề tài đương đại, nhưng với bộ phim Biên giới Tây Nam – Cuộc chiến tranh bắt buộc có lẽ chị vẫn còn nặng duyên lắm với con đường quen thuộc?

Đạo diễn Lê Phong Lan: 15 năm đồng hành với những trang sử bi hùng của dân tộc, những sự kiện, những số phận con người, những nhân chứng lịch sử cứ cuốn tôi đi. Bộ phim này chưa xong dự án phim mới lại mở ra. Đến nay tôi đã thực hiện được hơn 100 tập phim tài liệu lịch sử. Được đi qua nhiều vùng miền của đất nước, được học những bài học lịch sử trực tiếp từ những con người đặc biệt như Nhà tình báo Phạm Xuân Ẩn, Đại tướng Lê Đức Anh... hay từ những người du kích Đất thép Củ Chi, tôi hiểu rằng Lịch sử dân tộc là nguồn cảm hứng sáng tác không bao giờ cạn và tôi sẽ chẳng thể nào dứt ra được. Có lẽ do làm nhiều về đề tài lịch sử nên cái nhìn của tôi về các vấn của đất nước cũng trở nên bình tĩnh hơn. Tôi muốn thử nghiệm với những đề tài đề đương đại như là cách làm mới bản thân mình trong sáng tác. Ý định thì vẫn có nhưng không dễ để gác lại dù chỉ là tạm thời những điều mình đã nặng nợ.

‘ Tác nghiệp ở biên giới Campuchia

PV: Với cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam hẳn chị đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đặt cho phim một cái tên quyết đoán như thế?

Đạo diễn Lê Phong Lan: Tôi đã quyết tâm thực hiện bộ phim này trước không ít ngần ngại của bạn bè và đồng nghiệp. Vì bản thân tôi cũng muốn biết đằng sau những “vấn đề nhạy cảm lắm!” là cái gì. Qua các nguồn sử liệu và nhân chứng thì Việt Nam trong thời điểm đó không có sự lựa chọn nào khác để bảo vệ mình và cứu giúp và hồi sinh dân tộc Khmer khỏi họa diệt chủng. Đó là sứ mệnh quốc tế cao cả, trong sáng mà dân tộc Việt nam có quyền tự hào. Vị thế ấy, công lao ấy xứng đáng được tôn vinh, được khẳng định một cách rõ ràng. Đây rõ ràng là một cuộc chiến tranh bắt buộc. Tôi đã làm bộ phim với cái tên như vậy.

PV: Trong “gia tài” phim chiến tranh của chị “Biên giới Tây Nam – Cuộc chiến tranh bắt buộc” có ý nghĩa như thế nào?

‘ Đạo diễn Phong Lan phỏng vấn Thủ tướng Samdech Hunsen

‘ Phỏng vấn nhân chứng

Đạo diễn Lê Phong Lan: Đây là một đề tài đầy thách thức về nguồn sử liệu. Nếu như nguồn sử liệu của nước ngoài phong phú và các bạn Campuchia khá cởi mở khi trả lời phỏng vấn thì nguồn tư liệu và thông tin trong nước lại hạn chế. Tư liệu tổng kết không có. Sự dè dặt khi nhắc đến cuộc chiến này của chính những người trong cuộc và cơ quan chức năng. Đây cũng là lần đầu tiên khi làm phim về chiến tranh tôi phải trả lời câu hỏi mà bản thân tôi không bao giờ nghĩ tới: Việt Nam có xâm lược Campuchia hay không?.

Với chỉ với 10 tập phim bộ phim Biên giới Tây Nam – Cuộc chiến tranh bắt buộc chưa thể nói hết, nói chi tiết về một giai đoạn lịch sử gần 15 năm đầy máu và nước mắt của hai dân tộc Việt nam và Cămpuchia. Nhưng tôi nghĩ bộ phim đã giúp được khán giả truyền hình hiểu rõ hơn về một giai đoạn lịch sử Việt nam.

PV:Ở vị trí là đạo diễn, là người viết kịch bản khi lần theo mọi đường dây, xâu chuỗi những câu chuyện về cuộc chiến này, điều gì đọng lại trong chị?

Đạo diễn Lê Phong Lan: Những nỗi đau, những hi sinh, mất mát trong Chiến tranh Biên giới Tây Nam là không thể kể hết. Hi sinh cao cả ấy đã được chính người dân Campuchia ghi ơn. Chúng ta phải luôn cảnh giác vì không thiếu các thế lực thù địch muốn chúng ta bất ổn và chia rẽ hòng dễ bề sai khiến. Tôi mong rằng tiếng nói dẫu còn chưa thật đầy đủ nhưng rõ ràng và trung thực với lịch sử qua bộ phim sẽ tới được với đông đảo khán giả.

Xin cảm ơn đạo diễn!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước