"Ký sự Đường tàu mùa xuân sẽ gợi nhiều kỷ niệm cho khán giả"

K.N-Thứ tư, ngày 22/04/2015 15:28 GMT+7

Cảnh trong Ký sự Đường tàu mùa xuân

VTV.vn - Đó là lời chia sẻ của BTV Thanh Hương (Ban Văn nghệ, Đài THVN) về 7 tập Ký sự Đường tàu mùa xuân sắp lên sóng VTV1.

Trong cuộc phỏng vấn với VTV News, BTV Thanh Hương (Ban Văn nghệ, Đài THVN) đã chia sẻ cảm xúc và những kỷ niệm khó quên trong quá trình thực hiện Ký sự Đường tàu mùa xuân - một trong những chương trình đặc sắc nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2015).

Chị có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung Ký sự Đường tàu mùa xuân?

Đúng như tên gọi, Đường tàu mùa xuân là một hành trình dọc miền đất nước trên chuyến tàu Thống Nhất, đi qua những cung đường, những nhà ga, những địa điểm lịch sử từng là nơi khốc liệt nhất của cuộc chiến năm xưa. Xen kẽ giữa hiện tại và quá khứ, giữa trò chuyện và hồi tưởng, giữa những hình ảnh hiện tại hôm nay và tư liệu lịch sử, khán giả sẽ hiểu hơn về hành trình đi đến thống nhất đất nước như ngày hôm nay.

Ý tưởng thực hiện ký sự này xuất phát từ đâu, thưa chị?

Ngày 31/12/1976, đoàn tàu Thống Nhất đầu tiên khởi hành từ Hà Nội và đến Sài Gòn ngày 4/1 như một biểu tượng cho sự thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ. Gần 40 năm sau, tàu Thống Nhất vẫn là biểu tượng kết nối hai miền, chứng minh cho chân lý: "Đất nước Việt Nam là một". Đó cũng chính là lý do ê-kíp của Ban Văn nghệ chọn hành trình tàu Thống Nhất làm nền cho 7 tập của Ký sự Đường tàu mùa xuân.

Vậy những nhân vật trong Ký sự Đường tàu mùa xuân có gì đặc biệt? Chị có thể bật mí đôi điều với khán giả trước khi chương trình lên sóng?

Để tìm được những nhân vật - những con người gắn bó với tuyến đường sắt Bắc - Nam cực kỳ khó khăn và gian khổ bởi họ đều đã lớn tuổi, sống rải rác khắp mọi miền trên đất nước Việt Nam. Trong đó có nhân vật cô Toán - cựu thanh niên xung phong đường sắt Hoàng Mai năm xưa. Trong một trận ném bom vào nhà ga, cô cùng đồng đội ẩn nấp gần đó và bị trúng bom, tưởng như đã hy sinh. Nhưng kỳ diệu thay, vào giây phút cuối cùng, cô ấy đã tỉnh lại và câu chuyện của cô đến nay rất ít người biết đến.

Hay một câu chuyện khác của những người đi tuần đường sắt, mỗi ngày họ phải đi bộ 20km để kiểm tra an toàn đường ray. Và cả những người gác barie - công việc tưởng chừng như đơn giản nhưng ẩn sau đó nhiều điều thú vị.

Còn những khó khăn mà chị và ê-kíp gặp phải trong quá trình thực hiện ký sự này?

Khi bắt tay vào việc, chúng tôi mới nhận thấy sự khó khăn khi phải thực hiện những cảnh quay thể hiện sự chuyển động liên tục của đoàn tàu. Trong suốt quá trình quay, chúng tôi phải luôn sử dụng ô tô chạy song song cùng đoàn tàu. Có lúc, chúng tôi quay trên tàu, có lúc lại quay dưới đường bộ. Việc di chuyển như vậy thường diễn ra vào ban đêm với cường độ ngày càng tăng để kịp tiến độ hoàn thành và phát sóng chương trình.

Đằng sau những vất vả đó, điều mà chị cùng toàn bộ ê-kíp mong đợi nhất sau khi chương trình phát sóng là gì?

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm và đất nước đã có nhiều đổi thay. Nhưng qua ký sự này, chúng tôi muốn kể về những con người, những mảnh đất trên hành trình mà đoàn tàu Thống Nhất đã đi qua. Và có lẽ, khi xem phim, khán giả sẽ thấy thấp thoáng những kỷ niệm của chính mình hoặc những người thân trong đó.

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

7 tập của Ký sự Đường tàu mùa xuân sẽ được phát sóng trên kênh VTV1 vào 7h30 hàng ngày, bắt đầu từ ngày mai (23/4). Mời quý vị chú ý đón xem!

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước