Ở VTV, ngoài đội ngũ phóng viên Thời sự thì các đạo diễn phim tài liệu và đạo diễn phim ca nhạc cũng đã được vinh dự tác nghiệp tại Trường Sa. Trong quá trình thực hiện series phim khoa học lịch sử Tọa độ Việt Nam trong trục biển (dài 18 tập), đội quân “người nhái” của phòng Phim tài liệu Khoa học - Ban Khoa giáo đã có những trải nghiệm nhiều cảm xúc khi họ là những người làm phim lần đầu tiên lặn khám phá đại dương ở Trường Sa.
Khác với các chuyến lặn biển quay phim ở Cù Lao Chàm, Côn Đảo… với các điểm lặn khá gần bờ, đến Trường Sa, các “người nhái” đứng trước thách thức phải trải qua nhiều ngày lênh đênh trên con tàu Trường Sa 01 mới tới điểm lặn giữa đại dương sóng cả. Mặc dù mệt nhoài, mất sức vì sóng biển, vì thiếu ngủ trên tàu do các chiến sĩ tập tình huống, hơn nữa lại chịu sức ép vì thời gian (do lịch trình đã định sẵn không thể kéo dài) nhưng đạo diễn Hoàng Lâm và Tài Văn đều nỗ lực căng mình tác nghiệp, không bỏ phí những giờ phút quý báu. Ê-kíp làm phim chia sẻ, họ khó có thể diễn tả hết những cảm xúc khi lặn sâu xuống vài chục mét, được ngắm những rặng san hô tuyệt đẹp hay được khám phá, ghi hình xác con tàu đắm…
Những người lính Trường Sa đã hỗ trợ rất nhiệt tình cho ê kíp làm phim. Đây cũng là lần đầu tiên họ đưa một đoàn làm phim đến Trường Sa không chỉ thực hiện những cảnh quay trên bờ mà còn lặn sâu xuống đáy đại dương ghi lại sự phong phú của nguồn tài nguyên biển. “Người nhái” của VTV rất ấn tượng về con tàu dã chiến đưa họ đến điểm lặn và đặc biệt hơn cả, lần này họ lặn biển với trang bị quân nhu của lính đảo...
Series phim tài liệu Tọa độ Việt Nam trong trục biển được chia thành nhiều phần với tổng cộng 18 tập giúp khán giả tìm hiểu về lịch sử đại dương của Việt Nam, sự có mặt của những cư dân nước Việt ở ven biển và trên các đảo, những mối giao lưu từ các luồng văn hóa qua đường biển, tư duy và trình độ ứng xử với đại dương của người Việt… Đan xen giữa các hình ảnh về biển đảo Việt Nam do chính ê kíp làm phim thực hiện còn có những thước phim tư liệu được sưu tầm từ những nguồn trong và ngoài nước được sử dụng như những cứ liệu lịch sử sống.