Nhà báo Lê Bình: “Tôi đã bị ám ảnh”

ĐLNA-Thứ bảy, ngày 19/12/2015 06:00 GMT+7

Nhà báo Lê Bình và những đứa trẻ tại trại tị nạn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

VTV.vn - “Tôi không thể quên được vòng tay của một đứa trẻ đã ôm lấy tôi như không muốn rời đi, mà tôi thì không thể làm gì được để giúp đứa trẻ ấy” – Nhà báo Lê Bình nói.

Tôi đã từng nhiều lần thực hiện phỏng vấn với nhà báo Lê Bình – Giám đốc Trung tâm Tin tức VTV24, tuy nhiên, cuộc phỏng vấn với chị trước khi bộ phim Hành trình của sự sống và cái chết lên sóng có lẽ là cuộc phỏng vấn có ít nhiều sự khác biệt. Đây là lần đầu tôi thấy người phụ nữ vốn nổi tiếng mạnh mẽ và quyết liệt này khóc. Lê Bình đã khóc không chỉ một lần trong cuộc nói chuyện mà nhiều lần, cuộc trò chuyện đã phải ngưng lại do chị không thể kìm nén được cảm xúc – khi nhớ lại những gì chị đã thấy, đã trải qua trong chuyến đi dài 12 ngày tới các trại tị nạn ở biên giới Syria – Liban, Hy Lạp - Maccedonia. Một chuyến đi đáng nhớ và ám ảnh, một chuyến đi – như chị nói, đã giúp chị bước thêm một bước trên con đường hướng tới sự buông bỏ những tham, sân, si và mang đến cho chị một tầm nhìn mới.

“Tôi và các anh em trong đoàn không ai muốn ở lại thêm, thậm chí, chúng tôi còn không dám đặt mình vào hoàn cảnh những người dân ở đây, là nếu mình sống như họ thì sẽ ra sao? Chúng tôi không dám suy nghĩ đến mức như thế” – Nhà báo Lê Bình nói về chuyến đi mà từ đó, bộ phim Hành trình của sự sống và cái chết được ra đời – “Bởi vì cuộc sống ấy quá khổ, khổ đến mức chúng tôi không thể tưởng tượng ra được tại sao lại có thể khổ đến mức ấy”.

“Tôi không thể tưởng tượng được trong cõi nhân gian này lại có địa ngục trần gian như thế, với đầy đủ sự khổ ải. Những con người ở đó sống quá khổ và chết còn khổ hơn nữa. Họ chết một cách tức tưởi và đó là điều khiến tôi suy nghĩ, khiến tôi thay đổi nhiều hơn, cho tôi một tầm nhìn mới về thế giới này, về cuộc sống này”.


Nhà báo Lê Bình (thứ 2 từ trái sang), BTV Quỳnh Anh (thứ 3 từ trái sang) phỏng vấn một em nhỏ tại trại tị nạn.

Nhà báo Lê Bình (thứ 2 từ trái sang), BTV Quỳnh Anh (thứ 3 từ trái sang) phỏng vấn một em nhỏ tại trại tị nạn.

Lê Bình cũng nói chị vẫn còn bị ám ảnh bởi những gì đã trải qua: “Tôi đã được gặp một gia đình người tị nạn. Lúc đó họ đang nấu bữa tối và khi nhìn vào chiếc nồi đặt trên bếp, tôi thấy có 3 củ khoai tây. Tôi hỏi họ đó có phải bữa tối của gia đình không và nó được dành cho những ai? Họ trả lời đó là bữa tối cho 12 người. Bạn có thể tin không? 3 củ khoai tây là bữa tối cho 12 người trong cái rét xuống tới 0°C. Tôi không thể tưởng tượng được làm sao người ta có thể chịu đựng được và họ sẽ tồn tại kiểu gì với cuộc sống như thế, trong một mùa đông giá rét như thế?”.

“Tôi cũng đã nói chuyện với một đứa trẻ và nó nói với tôi rằng nó không còn nhớ mùi thịt như thế nào, vì đã rất lâu rồi không được ăn thịt. Tôi cũng không thể quên được vòng tay của một đứa trẻ đã ôm lấy tôi như không muốn rời đi mà tôi thì không thể làm gì được để giúp đứa trẻ ấy... Tôi đã bị ám ảnh kinh khủng”.

Và đó là lý do khiến chị quyết định làm Hành trình của sự sống và cái chết cho VTV Đặc biệt tháng 12?

- Đúng vậy. Khi tôi đi vào trong dòng người ấy, trong hành trình của họ, tôi nhìn thấy bữa tối của họ, tôi nghe được câu chuyện họ kể, tôi thấy sự khủng khiếp họ đang trải qua, cách sống của họ và tôi muốn kể lại câu chuyện của họ.

Có quá nhiều câu chuyện để kể, quá nhiều hình ảnh ám ảnh, có quá nhiều đôi mắt ấn tượng khiến cho mình không thể quên được, khiến cho mình không thể không làm được. Tôi chỉ nghĩ là mình nợ những người dân ở đấy những câu chuyện. Người dân Việt Nam cần biết đến những câu chuyện ấy.

Chị là người theo đạo Phật chắc chị cũng tin vào chữ duyên. Mỗi sự gặp gỡ đều có những tác động đến mình?

- Chính xác. Đó có lẽ là nhân duyên mà tôi phải trải qua. Tôi nghĩ ai phải trải qua điều đó cũng không sung sướng gì vì nó khiến cho người ta chạm đến tận cùng của sự sợ hãi. Chỉ chứng kiến thôi, chỉ nghe lại câu chuyện thôi đã khiến mình như thế… huống chi là những đứa trẻ đó… những đứa trẻ vẫn còn đang ở tuổi chơi búp bê.

Tôi đã được chứng kiến nhiều câu chuyện quá ám ảnh ở đó. Ở Việt Nam dù còn quá nhiều vấn đề nhưng mình vẫn may mắn vì đất nước mình không nội chiến, an ninh của mình còn đảm bảo và cuộc sống không quá khủng khiếp với đa số con người.

Những đứa trẻ tôi được gặp ở miền núi trong những chuyến đi từ thiện, chúng bị đói, không có cái ăn nhưng so với những đứa trẻ ở vùng Trung Đông chúng vẫn còn may mắn hơn. Vì chúng không phải sống trong sợ hãi, không phải sống trong cảnh bom rơi đạn lạc, không phải chứng kiến cảnh cha mẹ chết ngay trước mắt mình, không phải chứng kiến những cảnh bạo lực xảy ra mỗi ngày và cảnh người ta cắt đầu người một cách thản nhiên đến ghê rợn.


Nhà báo Lê Bình và một em nhỏ. Cô chia sẻ cô vẫn không quên được những đôi mắt cô đã thấy tại những trại tị nạn tại biên giới Syria – Liban và Hy Lạp - Maccedonia.

Nhà báo Lê Bình và một em nhỏ. Cô chia sẻ cô vẫn không quên được những đôi mắt cô đã thấy tại những trại tị nạn tại biên giới Syria – Liban và Hy Lạp - Maccedonia.

Suy nghĩ của chị có thay đổi nhiều sau chuyến đi?

- Khi tôi đi vào dòng người ấy tôi mới thấy cuộc sống này là vô thường. Tôi là người theo đạo Phật và tôi tin vào luật nhân quả. Tôi đã luôn cố gắng giúp cho mình hướng thiện, không hại ai, không bao giờ vì lợi ích của mình mà làm hại đến người khác. Đấy là tôn chỉ sống của tôi.

Nhưng khi đến vùng đất đó, tôi đã bước được thêm một bước nữa trên con đường hướng về Phật pháp. Tôi đã bước thêm một bước trên con đường hướng tới buông bỏ đi tất cả những tham, sân, si. Những con người ở đó họ chỉ là nạn nhân của những tham vọng, là nạn nhân của những người nhân danh công lý và nhân danh tôn giáo để thực hiện tham vọng của mình. Bản chất câu chuyện ở đây chỉ là như thế thôi.

Chị có tin mình sẽ là người kể chuyện hay hay không?

- Tôi không biết mình có đủ trình độ, đủ sự giỏi giang để kể câu chuyện đúng như xúc cảm nó vốn có hay không, khủng khiếp và tàn khốc như nó vốn có không. Nhưng nó sẽ được thể hiện một cách chân thực nhất, cận cảnh nhất, khách quan nhất về cuộc sống của những người dân tị nạn ở Trung Đông.

Tôi không dám chắc nhưng cảm nhận về nó trong tôi thì khủng khiếp vô cùng. Nếu tôi kể với mọi người mà mọi người không thấy nó khủng khiếp thì chứng tỏ tôi rất dốt, rất kém.

Một điều chị sẽ nói với khán giả trước khi họ được xem bộ phim này?

- Mọi người sẽ được thấy những người tị nạn sống như thế nào và chết như thế nào và hành trình của họ đến với cả miền đất hứa ra sao. Có lẽ những câu chuyện trên đường ấy, ở trại tị nạn ấy sẽ ám ảnh người xem nhưng kết thúc chương trình chúng tôi cũng đưa ra một thông điệp rất nhân văn. Sẽ có một câu chuyện được tôi giữ đến phút cuối cùng của phim – câu chuyện về sự cho đi tận cùng.

Cảm ơn chị về những chia sẻ!

Hành trình của sự sống và cái chết sẽ lên sóng tại khung chương trình VTV Đặc biệt vào 20h10 ngày tối nay (19/12) trên VTV1.

Nhà báo Lê Bình: Hành trình của sự sống và cái chết khốc liệt và ám ảnh Nhà báo Lê Bình: 'Hành trình của sự sống và cái chết' khốc liệt và ám ảnh

VTV.vn - “Bản chất của những câu chuyện đã rất đặc biệt, nếu mình kể không hay là mình kém. Thế thôi!” – Nhà báo Lê Bình nói về bộ phim Hành trình của sự sống và cái chết.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước