Nhà báo Nhật Hoa: Muốn làm chương trình cho thiếu nhi, cần phải hiểu thiếu nhi

Thùy An-Thứ sáu, ngày 21/12/2018 14:43 GMT+7

VTV.vn - Theo nhà báo Nhật Hoa, Giám đốc Trung tâm sản xuất các chương trình giáo dục, Đài THVN, đây là yếu tố tiên quyết nếu muốn làm một chương trình có chất lượng cho thiếu nhi.

Tác phẩm dự thi ngày một ít đi

Trước khi đề cập đến chất lượng các tác phẩm dự tại LHTHTQ, nhà báo Nhật Hoa - Trưởng BGK thể loại Chương trình dành cho thiếu nhi đã đề cập đến một điều rất đáng để lưu tâm. Đó là với chỉ với 27 tác phẩm tham dự, có thể thấy số lượng tác phẩm dự thi hạng mục Thiếu nhi ngày một ít đi.

Theo nhà báo Nhật Hoa, để tạo tính cạnh tranh và nâng cao chất lượng chuyên môn, cần mở rộng các đối tượng tham dự, ngoài các đài truyền hình (Các hãng phim, các công ty truyền thông, các nhà sản xuất độc lập trên các hạ tầng khác ngoài truyền hình như Internet…).

Muốn làm chương trình cho thiếu nhi, cần phải hiểu thiếu nhi

"Đây là một hạng mục khá đặc thù bởi đối tượng khán giả là trẻ em với những nhu cầu đầy đủ về thông tin, giáo dục và giải trí, cần được đáp ứng, tương tự như khán giả người lớn", nhà báo Nhật Hoa cho biết về chương trình cho thiếu nhi.

Nhà báo Nhật Hoa: Muốn làm chương trình cho thiếu nhi, cần phải hiểu thiếu nhi - Ảnh 1.

Nhà báo Nhật Hoa chấm thi tại LHTHTQ lần thứ 38 với tư cách là Trưởng BGK chương trình dành cho thiếu nhi

Nhà báo Nhật Hoa nhấn mạnh, nội dung là yếu số 1 trong các chương trình thiếu nhi. Để có nội dung hay và hấp dẫn, các nhà sản xuất chương trình thiếu nhi phải hiểu được thiếu nhi.

"Với trẻ con từ 0-2 tuổi, các nhà sản xuất cần phải biết các em thích xem cái gì, chúng ta cần tìm hiểu tâm sinh lý của các em ấy như thế nào thì mới làm được chương trình phù hợp. Trẻ em ở độ tuổi teen rất phá cách, các em muốn thể hiện mình, không nghe người lớn. Những chương trình mang tính giáo điều, áp đặt có phù hợp hay không? Các nhà sản xuất có thể thông qua các thần tượng của các em, thông qua những cái mà các em đang thích để truyền tải những thứ mà chúng ta muốn truyền tới các em", nhà báo Nhật Hoa phân tích.

Nhà báo Nhật Hoa: Muốn làm chương trình cho thiếu nhi, cần phải hiểu thiếu nhi - Ảnh 2.

Muốn làm chương trình cho thiếu nhi cần phải hiểu thiếu nhi (Ảnh minh họa)

Nhà báo Nhật Hoa cho biết, cách đây ít lâu, bà gặp một nhà sản xuất người Nhật Bản, ông nói rằng ông vừa đi học 1 khóa dạy thiết kế các điệu nhảy cho trẻ em. Ví dụ, trẻ em ở lứa tuổi 1-2 tuổi, các em trong tư thế rất muốn giữ thăng bằng, các động tác vũ đạo cho trẻ em cần xoay quanh việc giữ thăng bằng.

Đây là một ví dụ vô cùng sâu sắc cho các nhà sản xuất của Việt Nam trước khi bắt tay vào việc "thiết kế, may đo" một sản phẩm thực sự cho thiếu nhi.

Lối mòn và điểm sáng

Đề cập sâu hơn về nội dung các tác phẩm dự thi năm nay, nhà báo Nhật Hoa đã đưa ra một bức tranh khá nhiều gam màu.

Với 11 tác phẩm tham dự, ca múa nhạc thiếu nhi tiếp tục là mảng chủ lực được các nhà sản xuất tập trung. Tuy nhiên, theo nhà báo Nhật Hoa, đây cũng là mảng chương trình đang bị đi vào lối mòn, cả về nội dung và hình thức thể hiện.

"Về nội dung, các chương trình vẫn đa phần được xây dựng dưới dạng bài nối bài, có chọn chủ đề xuyên suốt (môi trường, lịch sử, truyền thống văn hóa quê hương…).

Nhà báo Nhật Hoa: Muốn làm chương trình cho thiếu nhi, cần phải hiểu thiếu nhi - Ảnh 3.

Các tác phẩm thể loại chương trình dành cho thiếu nhi tại LHTHTQ lần thứ 38 là một bức tranh với nhiều gam màu (Ảnh minh họa)

Có một số chương trình đưa thêm các tình huống dẫn chuyện nhằm mục đích tạo sự hấp dẫn, nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn. Các nhân vật dân chương trình (ông bà già, thầy giáo, nghệ nhân, ca sĩ nhí…) không thực sự tự nhiên, tạo cảm giác diễn xuất, ngôn ngữ thể hiện do người lớn viết ra và áp đặt, các em học sinh tham gia chương trình không được bộc lộ hết thế mạnh của trẻ em thông qua sự hồn nhiên trẻ thơ mà chủ yếu trình diễn theo ý đồ của đạo diễn", nhà báo Nhật Hoa nhận xét.

Tuy nhiên tại liên hoan năm nay, chương trình dành cho thiếu nhi vẫn có nhiều điểm sáng.

Theo nhà báo Nhật Hoa, như tại mảng giáo dục giải trí, các chủ đề xoay quanh giáo dục về kiến thức về lịch sử, văn hóa quê hương, hướng nghiệp, trải nghiệm sáng tạo, sức khỏe, kỹ năng sống…được nghiên cứu kỹ về nội dung, có sự tham gia sâu của cố vấn chuyên môn, hình thức thể hiện hấp dẫn, khá phù hợp với tâm lý tiếp nhận của trẻ em…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước