Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần "street dance" sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp

Thu Hương-Thứ bảy, ngày 09/12/2023 11:28 GMT+7

Nhóm nhạc HKT48 của Nhật Bản biểu diễn trong chương trình Hòa nhịp.

VTV.vn - Tinh thần của bước nhảy đường phố (street dance) là mạch kết nối chính, xuyên suốt chương trình giao lưu nghệ thuật “Hoà nhịp”.

Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, Đài Truyền hình Việt Nam, Bộ Công an và công ty Sanyu (Nhật Bản) phối hợp thực hiện chương trình giao lưu nghệ thuật với chủ đề Hòa nhịp. Đây là dịp để nghệ sĩ hai nước gặp gỡ, trao đổi văn hóa và tăng cường hiểu biết lẫn nhau thông qua ngôn ngữ nghệ thuật đương đại.

Ý tưởng về chương trình đã được ông Sugi Ryotaro - Tổng giám đốc công ty Sanyu và các cộng sự xây dựng từ 1 năm trước, sau đó kết nối với Đài Truyền hình Việt Nam. Ban Văn nghệ là đơn vị chịu trách nhiệm phối hợp sản xuất chương trình. Trước khi Hòa nhịp lên sóng vào 22h00 Chủ nhật (10/12/2023) trên kênh VTV1, nhà báo Trần Hồng Hà - Phó trưởng Ban Văn nghệ đã chia sẻ câu chuyện hậu trường cũng như bật mí những tiết mục đặc biệt và bất ngờ trong chương trình.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 1.

Nhà báo Trần Hồng Hà trong buổi tổng duyệt chương trình.

Vì sao BTC quyết định chọn tên Hòa nhịp cho chương trình, thưa chị?

- Nhà báo Trần Hồng Hà: Hòa nhịp thể hiện sự đồng điệu về tâm hồn và phong cách. Trong nghệ thuật, Hòa nhịp thể hiện sự kết hợp hài hòa các yếu tố khác nhau để tạo nên sự cân bằng, trở thành một tổng thể thống nhất. Với ý nghĩa này, chúng tôi quyết định chọn tên Hòa nhịp để đặt cho chương trình, bởi lẽ âm nhạc, ánh sáng và ngôn ngữ hình thể của các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã được hòa quện thành những phần trình diễn ấn tượng, lần đầu xuất hiện trên sân khấu và trên truyền hình.

Năm 2023, kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, cả hai dân tộc đều có những bước tiến mới, càng thắt chặt hơn tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai nước và không còn khoảng cách về ngôn ngữ và địa lý. Tất cả đã cùng hòa nhịp trong tình hữu nghị ấm áp và phát triển.

Đã có các chương trình giao lưu nghệ thuật kỷ niệm 40 năm, 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản. Vậy chương trình kỷ niệm 50 năm lần này có gì khác biệt?

Chương trình được ông Sugi Ryotaro - Tổng giám đốc Sanyu và các cộng sự lên ý tưởng từ 1 năm trước rồi kết nối với VTV. Sau đó, Ban Văn nghệ là đơn vị chịu trách nhiệm sản xuất chương trình. Chúng tôi đã cùng nhau suy nghĩ và xây dựng kịch bản.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 2.

Hai nhóm nhảy KADOKAWA DREAMS (Nhật Bản) và FLAVA (Việt Nam) có màn trình diễn đối kháng (Dacne Battle) ấn tượng.

Mặc dù đã cùng nhau làm nhiều chương trình giao lưu nghệ thuật giữa Việt Nam và Nhật Bản nhưng nội dung của chương trình lần này khác hẳn với những lần trước đây. Các lần trước tập trung vào phần trình diễn về âm nhạc và hát thì lần này street dance được đưa lên sân khấu nhà hát với một thông điệp "những bước nhảy mang đến sức khỏe lành mạnh cho tâm hồn và thể chất".

Khi bắt tay vào xây dựng kịch bản, chúng tôi cũng thấy chưa biết thể hiện thế nào cho hấp dẫn? Làm thế nào để các tiết mục luôn lôi cuốn khán giả? Sau nhiều cuộc họp với nhau, chúng tôi đã tìm ra lối đi với nhiều sáng tạo mới.

Làm việc chung, chị có nhận xét như thế nào về ekip và các nghệ sĩ Nhật Bản?

Tôi đã có nhiều dịp được hợp tác sản xuất chương trình giao lưu nghệ thuật với công ty Sanyu do ông Sugi Ryotaro làm Tổng giám đốc. Ông là một người bạn của Việt Nam gần 40 năm nay. Trong những dấu mốc quan trọng của cả hai nước, ông Sugi Ryotaro đều có những đóng góp trong việc thúc đẩy giao lưu văn hoá, tạo cơ hội gặp gỡ cho nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản.

Các nghệ sĩ Nhật Bản luôn thân thiện, có phong cách làm việc chuyên nghiệp, kỹ càng đúng theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều đặc biệt, họ rất yêu mến con người và đất nước Việt Nam. Họ luôn mong muốn có cơ hội được giao lưu cùng các nghệ sĩ Việt, được học tiếng Việt và thưởng thức những món ăn đặc trưng của Việt Nam.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 3.

Nhóm nhạc Da Pump nổi tiếng của Nhật Bản biểu diễn trong chương trình Hòa nhịp.

Chị có thể bật mí một chút về các tiết mục trong chương trình Hòa nhịp không?

Tất nhiên rồi! Điều đặc biệt và thú vị của Hòa nhịp chính là sự tham gia của các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản. Mạch kết nối chính, xuyên suốt Hòa nhịp chính là tinh thần của bước nhảy đường phố (street dance). Thể loại nhảy này đang ngày một phổ biến và được giới trẻ 2 nước Việt Nam và Nhật Bản yêu thích. Thông qua ngôn ngữ biểu đạt của street dance, các nghệ sĩ tham gia chương trình đến từ hai nước đã vượt qua rào cản ngôn ngữ để dễ dàng tương tác, hòa nhịp, trao đổi văn hoá.

Xuất hiện trong chương trình có các nhóm nhảy, nhóm nhạc nổi tiếng của Nhật Bản: nhóm nhảy KADOKAWA DREAMS, 2 nhóm nhạc nổi tiếng Da Pump và HKT48. Bên cạnh đó, chương trình hứa hẹn mang đến bất ngờ với sự xuất hiện của 2 nhóm nhảy gồm các thành viên nữ lớn tuổi. Các nhóm hình thành từ thói quen tập thể dục hàng ngày của những người lớn tuổi Nhật Bản.

Sân khấu của Hoà nhịp là những tiết mục giao lưu giữa các nghệ sĩ Nhật Bản với các nghệ sĩ Việt Nam như Hà Lê, rapper Pháo, nhóm nhảy Flava. Chương trình còn có cuộc hội ngộ giữa 2 nhóm nhảy lớn tuổi đến từ Nhật Bản và nhóm nhảy trẻ em của Việt Nam...

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 4.

Nhóm nhảy FOREVER CHANCE! của Nhật Bản với độ tuổi trung bình của các thành viên trong nhóm là 68,4 và thành viên cao tuổi nhất là 79 tuổi.

Lý do ekip chọn Hà Lê, Pháo và 2 nhóm nhảy Flava, Hanoi Best Kid đại diện các nghệ sĩ Việt Nam tham gia chương trình là gì?

Với một chương trình có điểm nhấn là ngôn ngữ hình thể và âm nhạc, chúng tôi cần tìm những điểm kết nối là các nghệ sĩ đáp ứng được tiêu chí này. Hà Lê và Pháo là những nghệ sĩ Việt Nam có lối hát và âm nhạc trẻ trung, mới lạ.

Hà Lê đã là một vũ công, rapper, biên đạo múa và là gương mặt nổi bật của giới underground Việt. Sau này, anh đã làm mới lại nhiều bài hát của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn theo góc nhìn riêng của giới trẻ với nhiều ý kiến khác nhau nhưng đều được công nhận về sự sáng tạo, có đột phá và tạo ra con đường riêng.

Pháo - Northside, một rapper trẻ tài năng của Việt Nam với nhiều thành công được cộng đồng khán giả yêu thích qua những sản phẩm cá nhân ấn tượng.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 5.

Hà Lê và Pháo lần đầu trình diễn chung tiết mục trên sân khấu.

Nhóm nhảy Flava là một nhóm nghệ sĩ trình diễn độc lập được thành lập bởi đạo diễn, biên đạo Phạm Khánh Linh hay tên thường được gọi thân thương là Linh 3T. Thương hiệu "Vietnam Flava" không chỉ là vận động viên tham gia thi đấu trong các giải đấu quốc tế tại Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp mà còn là các nghệ sĩ trình diễn trong nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài nước.

Còn đối với nhóm nghệ sĩ nhỏ tuổi nhất Hanoi Best Kid đó chính là ý tưởng tiếp nối các thế hệ, từ những nghệ sĩ tuổi 90 như nhóm macaron♪, nghệ sĩ tuổi 70 như nhóm FOREVER CHANCE! của Nhật Bản. Sự tiếp nối qua nhiều thế hệ thể hiện sự lành mạnh trong lối sống, tươi trẻ trong tâm hồn - đó là lợi ích của những vũ điệu và âm nhạc mang lại.

Sự lo lắng trước khi chương trình diễn ra là gì? Và sau khi ghi hình xong, chị và ekip có hài lòng, thở phào về điều đó không?

Với mỗi chương trình diễn ra, điều lo lắng nhất chính là phần biểu diễn của các nghệ sĩ. Đối với những chương trình có yếu tố quốc tế thì vấn đề này được đặt lên mức cao nhất và đòi hỏi mức độ an toàn là 200%.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 6.

Nhà báo Trần Hồng Hà (giữa) trao đổi với 2 MC trước khi chương trình bắt đầu.

Các nghệ sĩ Nhật Bản luôn tuân thủ về kế hoạch sản xuất chương trình do Ban tổ chức đưa ra, bên cạnh đó họ còn quan tâm tới nhiều yếu tố khác như market sân khấu, âm thanh, ánh sáng - những bổ trợ cho phần trình diễn của họ trên sân khấu. Kết hợp tốt các yếu tố này thì mới tạo nên một phần trình diễn thành công, ấn tượng với khán giả.

Đối với chương trình truyền hình, các tiết mục gây ấn tượng cho khán giả xem tại chỗ là chưa đủ, mà cần có ekip quay phim, đạo diễn lựa chọn những khoảnh khắc để tạo nên những tiết mục sống động và bắt mắt trên màn ảnh.

Chỉ khi nào chương trình được phát sóng, khi đó ekip sản xuất mới được thở phào và cũng chờ đón xem chương trình như bao khán giả khác.

Nhà báo Trần Hồng Hà: Tinh thần street dance sẽ xuyên suốt chương trình Hòa nhịp - Ảnh 7.

Nhà báo Trần Hồng Hà (phải) và BTV Thùy Linh "thở phào" rạng rỡ sau khi kết thúc chương trình .

Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!

Chương trình giao lưu nghệ thuật Việt Nam - Nhật Bản với chủ đề Hòa nhịp sẽ lên sóng VTV1 vào 22h Chủ nhật (ngày 10/12/2023). Mời quý vị đón xem!
Nhóm nhảy lớn tuổi nhất Nhật Bản tham gia chương trình 'Hòa nhịp' tại Việt Nam Nhóm nhảy lớn tuổi nhất Nhật Bản tham gia chương trình "Hòa nhịp" tại Việt Nam Hà Lê: Tôi muốn khoe 'chất liệu Việt Nam' trong chương trình Hòa nhịp Hà Lê: Tôi muốn khoe "chất liệu Việt Nam" trong chương trình Hòa nhịp Da Pump HKT48 và các nhóm nhảy Nhật Bản hào hứng trước 'Hòa nhịp' Da Pump HKT48 và các nhóm nhảy Nhật Bản hào hứng trước "Hòa nhịp"

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước