Nhân ngày 21/6, hãy cùng VTV Online trò chuyện với phóng viên Tuấn Đức – một thành viên tổ công tác Brazil, những người đang ngày đêm nỗ lực để gửi tới người hâm mộ trái bóng tròn một bữa tiệc bóng đá thịnh soạn nhất từ trước đến nay trên sóng truyền hình Việt Nam.
P.V: Xin chào p/v Tuấn Đức, không khai sinh ra bóng đá nhưng lại là một cường quốc trên bản đồ bóng đá thế giới, Brazil – hẳn sẽ là đích đến mà nhiều phóng viên thể thao muốn một lần được trải nghiệm. Điều gì gây ấn tượng mạnh nhất với anh khi lần đầu được trực tiếp tác nghiệp trên đất Brazil tại World Cup 2014 này?
‘ Người Brazil luôn thích sự ngẫu hứng - Phóng viên Tuấn Đức
P/v Tuấn Đức: Lần đầu đến Brazil và cũng là lần đầu đến với một quốc gia Nam Mĩ, rất nhiều điều gây ấn tượng đối với tôi. Nhưng có lẽ điều gây ấn tượng mạnh nhất đó chính là ở Brazil vẫn còn khá rõ sự phân biệt giàu nghèo. Ở 2 thành phố lớn nhất Brazil là Sao Paulo và Rio De Janeiro, luôn tồn tại trong đó là 2 thế giới dù ranh giới đôi khi chỉ cách nhau vài kilomet.
Tôi đã tới và tìm hiểu về cuộc sống của những người dân sống trong khu ổ chuột ở Rio De Janeiro. Cuộc sống của họ hoàn toàn khác xa so với những bãi biển thơ mộng hay những khách sạn sang trọng của giới thượng lưu. Rio có hàng nghìn favela (khu ổ chuột) như vậy.
Nhiều favela có tới hàng chục nghìn người sinh sống (Rocinha là favela lớn nhất Brazil với khoảng 70000 người sinh sống). Những ngôi nhà lụp xụp của họ được xây dựng đều tăm tắp, phủ kín những quả đồi tạo nên 1 quần thể khá sinh động.
Dù là nơi mà những du khách được cảnh báo không nên vào vì tình hình an ninh khá phức tạp, nhưng chính những favela lại là nơi ẩn chứa nhiều văn hoá đặc trưng nhất của Brazil và là nơi thu hút tôi nhất.
Rất nhiều cầu thủ bóng đá nổi tiếng thế giới đã trưởng thành từ những favela như vậy. Chúng tôi cũng đã làm 1 phóng sự về quỹ phát triển bóng đá của cựu danh thủ Cafu tại chính favela quê nhà của anh (quận Irene, Sao Paulo)
P.V: Nếu châu Âu được biết như một môi trường bóng đá phát triển nhất thế giới với nhiều học viện đẳng cấp, lối đào tạo bài bản, khoa học… thì Brazil lại là nơi bóng đá len lỏi vào trong từng ngóc ngách của cuộc sống, nơi những siêu sao thành danh từ những khu ổ chuột, những sân bóng đường phố. Là một người từng có kinh nghiệm tác nghiệp trong môi trường bóng đá lục địa già, vậy theo anh không khí bóng đá tại Brazil có thực sự khác biệt?
Trước khi đến Brazil, câu hỏi lớn nhất mà tôi mang trong mình đó là đất nước này, những con người này, làm sao mà họ có thể giỏi bóng đá đến thế dù Brazil không phải là quốc gia có nền bóng đá chuyên nghiệp phát triển như các nước châu Âu. Nhưng cho đến bây giờ, tôi cũng đã phần nào tự trả lời được câu hỏi của mình.
Bóng đá Brazil hiện nay có những điểm tương đồng nhưng cũng có những điểm khác với bóng đá Châu Âu.
Nếu như trước đây Brazil nổi tiếng với thứ đặc sản của họ là bóng đá đường phố thì bây giờ bóng đá của họ đã thay đổi khá nhiều. Bóng đá đường phố ở Brazil bây giờ đã được thay thế bằng loại hình bóng đá cộng đồng phát triển có định hướng và rất hiệu quả. Rất nhiều các sân bóng mini được xây dựng, các giải thi đấu đã được tổ chức và tài trợ bởi các CLB lớn tại Brazil…Từ đó, rất nhiều các CLB như Sao Paulo, Santos, Corinthians… đã tìm kiếm được các tài năng trẻ cho đội tuyển.
Tuy nhiên, sự khác biệt của bóng đá Brazil so với châu Âu là ở chỗ phong cách ngẫu hứng của bóng đá đường phố vẫn được các cầu thủ Brazil duy trì cho đến tận bây giờ.
Trong thời gian qua ở Brazil, tôi cảm nhận người con người ở đây họ rất thích sự ngẫu hứng. Một người lái taxi có thể sẵn sàng không chở khách để về xem bóng đá, một nhà hàng sẵn sàng đóng cửa không tiếp khách để nhân viên theo dõi một trận đấu. Theo tôi, chính tính cách đó đã làm nên sự khác biệt giữa bóng đá Brazil với bóng đá Châu Âu và đó cũng là lý do mà lối đá của đội tuyển Brazil được đông đảo người hâm mộ bóng đá trên thế giới yêu mến.
P.V: World Cup không chỉ hấp dẫn bởi những trận cầu đỉnh cao bởi giải đấu danh giá nhất hành tinh được ví như một lễ hội văn hoá đa màu sắc. Ước tính, chỉ riêng trong mùa World Cup này, có hàng triệu lượt khách du lịch đến với Brazil. Ngoài “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, anh đã được trải nghiệm không gian lễ hội tại đây?
‘ Quay phim Mạnh Việt (phải) và phóng viên Tuấn Đức (trái) - một ê-kíp của VTV trong chuyến công tác Brazil lần này
Brazil nổi tiếng với những vũ điệu Samba hay các lễ hội carnival… điều đó ai cũng biết và khi đến đây tôi đã thực sự cảm nhận được cái không khí lễ hội đó, đặc biệt là trong các trận đấu mà có đội tuyển Brazil thi đấu.
Các CĐV Brazil và cả những CĐV đến từ các quốc gia Nam Mĩ khác họ rất thích ca hát, nhảy múa. Họ có thể nhảy múa ở bất kì đâu, từ SVĐ, Fan Fest (khu vực dựng trại của CĐV các đội), các quán bar, thậm chí, ngay cả trên đường phố. Miễn có âm nhạc là họ có thể thoải mái thả mình vào những vũ điệu đầy sôi động. Tôi đã gặp một người lái taxi có cả một bộ trống ở trên xe để hát và gõ trong lúc chờ khách. Phải công nhận, người dân ở đây họ rất yêu âm nhạc và những lễ hội.
P.V: Brazil dễ “quyến rũ” những phóng viên thể thao là thế, tuy nhiên để yêu được Brazil chắc chẳng phải chuyện dễ dàng. Tác nghiệp ở một đất nước có diện tích lớn thứ 5 trên thế giới, lại thường xuyên phải di chuyển giữa các địa điểm thi đấu, những phóng viên của VTV tại World Cup 2014 đã phải đối mặt với những khó khăn gì?
Khá nhiều khó khăn đến với đoàn công tác VTV trong chuyến đi lần này. Trở ngại lớn nhất có lẽ chính là về ngôn ngữ bởi lẽ ở Brazil, người ta rất ít sử dụng tiếng Anh - ngay cả ở những thành phố lớn như Rio De Janeiro hay Sao Paulo. Chính vì thế nên khi đi khai thác các đề tài, phóng sự chúng tôi phải luôn có người phiên dịch đi cùng.
‘ Phóng viên Tuấn Đức chụp ảnh cùng hai CĐV đang hoá trang thành Diego Maradona và "người ngoài hành tinh" Ronaldo
Một trở ngại nữa đó là vấn đề an ninh. Dù là một quốc gia lớn có nền kinh tế rất phát triển, nhưng vấn đề an ninh luôn là điều khiến cho các nhà chức trách Brazil phải đau đầu.
Các khách du lịch đến Brazil luôn nhận được những lời cảnh báo về nạn trộm cắp và cướp bóc. Là những phóng viên cần phải lăn lộn đề tìm kiếm và phát hiện các đề tài, chúng tôi chắc chắn sẽ phải đối mặt với những rủi ro đó. Nhưng do được cảnh báo trước từ nhóm đi tiền trạm, chúng tôi đã hết sức cẩn thận trong quá trình tác nghiệp, khi đi ra ngoài, đến chỗ vắng người hay vào các khu ổ chuột.
Nhưng cũng may mắn, trong thời gian diễn ra World Cup này, nước chủ nhà đã tăng cường lực lượng an ninh một cách tối đa. Cảnh sát được tăng cường và xuất hiện ở khắp mọi nơi, chính điều đó đã khiến cho tình hình an ninh ở đây cho đến thời điểm này chưa có vụ việc gì xấu xảy ra cả.
P.V: Ngoài vấn đề an ninh, câu chuyện “chặt chém” mùa World Cup ra sao, thưa anh?
Tôi phải công nhận một điều là Brazil rất văn minh. Họ đối xử với người Brazil và người nước ngoài như nhau. Không hề có chuyện “chặt chém” hay tăng giá mùa World Cup.
Tôi đã được chứng kiến khi có mặt tại khu phố Morato (khu nhiều quán bar, nhà hàng nhất tại Sao Paulo) trong trận đấu của đội chủ nhà Brazil. Dù có rất đông các CĐV xếp hàng để tìm kiếm chỗ đứng xem bóng đá nhưng nhà hàng nhất định không nhận thêm khách. Họ muốn cho các khách hàng có được một không gian dễ chịu ở trong quán - dù giá bán đồ uống không hề thay đổi. Thậm chí có quán họ còn đóng cửa không phục vụ khách để nhân viên xem bóng đá.
Ở Brazil tôi không hề thấy cảnh chen lấn hay xô đẩy bởi tất cả mọi người ở đây đều rất có văn hoá xếp hàng.
P.V: Một sự kiện thể thao như World Cup chắc chắn là nơi quy tụ đông đảo các đài truyền hình, những hãng thông tấn lớn trên thế giới. Anh đánh giá thế nào về sự chuyên nghiệp cũng như tay nghề của các phóng viên tác nghiệp tại Brazil?
Trước đây tôi đã may mắn có dịp được tác nghiệp tại một sự kiện lớn khác là Euro 2012, nhưng quả thật là khi sang đây tôi mới thấy World Cup còn có sức hút lớn hơn rất nhiều.
Các phóng viên không chỉ làm việc ở trong và quanh sân vận động, họ xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những bến tàu điện ngầm, trên đường phố, các quán bar nhà hàng nơi có các CĐV và cả những khu ổ chuột nữa.
Về sự chuyên nghiệp thì chắc chắn là điều khỏi phải bàn, vì hầu hết họ là những phóng viên “thiện chiến” nhất đến từ các hãng truyền thông, báo chí lớn nhất thế giới.
Trong trận khai mạc tôi đã thực sự choáng ngợp khi vào khu vực giành riêng cho các phóng viên, báo đài tại sân Arena de Sao Paulo. Nếu khu vực dưới đường pitch giành cho các quay phim và phóng viên ảnh thì trên khán đài là cả một khu vực rộng lớn để bố trí cho các phóng viên truyền hình dẫn trực tiếp, các bình luận viên và các phóng viên báo viết.
Một không khí làm việc hối hả mà tôi tin rằng bất kì ai khi bước vào cũng phải bị cuốn theo. Điều tôi ấn tượng nhất với các phóng viên nước ngoài đó là họ phản xạ và ứng biến rất nhanh với các tình huống. Và khi cần họ có thể làm việc ở bất kì chỗ nào với thiết bị nào sẵn có trên tay.
Họ có thể dẫn hiện trường ngay trên tàu điện ngầm, trên nóc nhà hay trước một đám đông biểu tình. Để làm được điều đó, không chỉ cần các kĩ năng mà các phóng viên còn phải có lòng đam mê nghề nghiệp và sự dũng cảm nữa.
P.V: Nếu dành 2 từ để nói về Brazil, về World Cup 2014, với cá nhân anh, 2 từ đó sẽ là gì? Và vì sao?
‘ Ấn tượng một Brazil đầy sự ngẫu hứng và cũng giàu lòng hiếu khách
Nếu chỉ dùng 2 từ để nói về mọi thứ ở đây thì chỉ có thể là ẤN TƯỢNG. Vì Brazil là đất nước Nam Mĩ đầu tiên mà tôi đến nêu có nhiều thứ gây ấn tượng đối với tôi. Từ đất nước, con người lẫn văn hoá Brazil đều rất khác biệt so với những đất nước khác mà tôi đã từng đến. Đây chắc chắn sẽ là một trong những chuyến đi đáng nhớ nhất đối với tôi!
Xin cảm ơn anh về buổi trò chuyện này!