Talk Vietnam: VTV đặc biệt "Mảnh ký ức" và những chuyện chưa kể

Theo Talk Vietnam-Thứ sáu, ngày 18/08/2023 10:48 GMT+7

VTV.vn - Trong cuộc trò chuyện với MC Lina Phạm, các cựu chiến binh mỹ đã có thời gian chia sẻ thêm về những ký ức của họ về cuộc chiến...

Tiếp nối bộ phim VTV Đặc biệt "Mảnh ký ức" do Ban Truyền hình đối ngoại sản xuất, bốn cựu chiến binh Mỹ - nhân vật chính của phim đã được mời đến chương trình Talk Vietnam để trò chuyện. Ông Spencer Matteson, Steve Hassett, Ivory Whitaker và Kinbourne Lo đã có một hành trình đặc biệt và đáng nhớ, từ nước Mỹ xa xôi cách Việt Nam nửa vòng Trái đất, họ quay trở lại chiến trường năm xưa sau gần nửa thập kỷ, mang theo những ký ức chiến tranh từng là nỗi ám ảnh cả đời.

Trong cuộc trò chuyện với MC Lina Phạm, các cựu chiến binh mỹ đã có thời gian chia sẻ thêm về những ký ức của họ về cuộc chiến, về hành trình đặc biệt kết nối những mảnh ghép rời rạc, để giải mã ẩn số về khu mộ tập thể cũng như giúp chúng ta có cái nhìn sâu hơn về cuộc chiến và những hài cốt chưa được tìm thấy của những chiến sĩ Việt Nam.

Hơn nửa thế kỷ trước, bốn cựu chiến binh Mỹ đã đến tham chiến tại Việt Nam. Mặc dù chiến tranh đã lùi xa nhưng nhiều người trong số họ vẫn không thể quên đi những mảnh ký ức kinh hoàng của năm tháng ác liệt đó. Và giờ đây, họ quay trở lại chiến trường xưa ở đồi Xuân Sơn và mang trong mình một sứ mệnh rất khác. Thông qua việc kể lại những ký ức của mình, họ cung cấp thông tin để giúp tìm ra hài cốt của những liệt sĩ Việt Nam đã hy sinh trong cuộc chiến tại đồi Xuân Sơn, hay còn được gọi là trận "LZ Bird" diễn ra vào tháng 12/1966. 

Đến với Talk Vietnam có ông Spencer Matteson, người đã viết những bài viết kể lại hồi ức của mình về trận chiến tại đồi Xuân Sơn. Những ghi chép của ông đã trở thành những manh mối quý giá giúp xác định vị trí của ngôi mộ tập thể. Ông Steve Hassett, người đã chụp những bức ảnh của trận chiến mà sau này trở thành động lực thúc đẩy công cuộc khai quật. Ông Ivory Whitaker, người đã chôn cất những chiến sỹ Việt Nam hy sinh tại trận địa. Và cuối cùng là ông Kinbourne Lo, người đã tham gia vào trận chiến đêm đó. Mỗi người họ đều đã chứng kiến một phần diễn biến của trận đánh. 

Chia sẻ về nguyên nhân đã thôi thúc các ông tham gia và gắn bó với dự án tìm kiếm mộ liệt sĩ tại đồi Xuân Sơn, ông Kinbourne Lo nhớ lại thời điểm được mời tới Việt Nam để hỗ trợ tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hy sinh trong trận chiến đồi Xuân Sơn. Ông thừa nhận mình đã từng hoài nghi chính bản thân vì không biết có giúp được gì cho phía Việt Nam hay không. 

"Đắn đo trước lời đề nghị này, tôi trao đổi nhiều hơn với những thành viên thực hiện dự án tìm kiếm hài cốt các chiến sĩ đã ngã xuống. Tôi nghĩ rằng đây giống như một nghĩa vụ mình phải thực hiện" - ông Kinbourne Lo cho biết. 

Với ông Spencer Matteson,dự án lầy này có ý nghĩa đặc biệt vì chính ông là người đã từng phải chịu những tổn thương nặng nề sau khi trở về từ cuộc chiến. Đã từ lâu, ông Spencer Matteson thấy mình cần phải quay trở lại Việt Nam để sửa chữa lỗi lầm trong quá khứ. 

"Đã từ lâu, tôi luôn thấy mình phải quay trở lại Việt Nam và suy nghĩ xem có thể làm được những gì để sửa chữa lỗi lầm. Đầu năm nay, tôi được đội ngũ của dự án mời tham gia vào công cuộc tìm kiếm hài cốt của những chiến sĩ Việt Nam đã hy sinh tại chiến trường đồi Xuân Sơn. Tôi sẵn lòng và thiết tha tham gia vào công cuộc này. Vì tôi cảm thấy nó có ý nghĩa với Việt Nam và cũng như là một cách bù đắp phần nào những mất mát" - ông Spencer Matteson chia sẻ. 

Ông Ivory Whitaker thì khác, ban đầu ông không hề muốn trở lại Việt Nam. Nhưng tình cờ khi biết được câu chuyện từ một người bạn, người đã tham gia trong đội ngũ tìm kiếm tù nhân và lính Mỹ mất tích trong chiến tranh bên ngoài Hawaii và được người Việt Nam đã rất nhiệt tình hỗ trợ tìm kiếm hài cốt của lính Mỹ tại Việt Nam, ông đã thay đổi suy nghĩ. 

"Câu chuyện này đã thôi thúc tôi tham gia vào dự án này theo một cách rất khác biệt. Nếu lúc trước, tôi không có ý định quay lại Việt Nam thì những lời nói của người bạn đó đã thôi thúc tôi phải đi, trải nghiệm những điều hành trình đó sẽ mang lại đối với cuộc sống của tôi. Nó có thể giúp tôi giải quyết vấn đề mà tôi đang phải chịu đứng bấy lâu. Và đó là lý do khiến tôi quay trở lại Việt Nam" - ông Ivory Whitaker cho biết. 

Giống với ông Ivory Whitaker, ông Steve Hassett đã luôn muốn né tránh ý tưởng quay lại Việt Nam vì cảm thấy tội lỗi về những tội ác mình đã gây ra tại đất nước này. 

"Đơn vị của tôi đã đốt phá nhiều ngôi làng hay bắt ép người dân vào ấp chiến lược. Vì thế, tôi không bao giờ thích thú với việc sẽ quay trở lại đây. Ý tưởng đó vốn dĩ là một điều không tưởng cho đến khi tôi được mời tham gia hỗ trợ công cuộc tìm khu mộ tập thể. 

Lời đề nghị đó đã thôi thúc tôi và khiến việc quay trở lại Việt Nam mang một sứ mệnh rất khác. Tôi bàn bạc chuyện này với vợ và con gái tôi. Con gái tôi nói rằng đây như là cách để thực hiện một điều có ý nghĩa. Và tôi rất mừng vì mình đã lựa chọn quay lại đây" - ông Steve Hassett chia sẻ. 

Giống như phần lớn những binh lính Mỹ khác, cả bốn cựu chiến binh Mỹ chỉ mới 18, 20 tuổi khi tới Việt Nam. Họ đến nơi đây, một vùng đất hoàn toàn xa lạ, từ mục đích có thể là sự thôi thúc giải phóng sức trẻ khỏi nơi quê nhà chật chội và muốn khám phá thế giới; có thể đó là một công việc giúp họ có được tiền để theo đuổi những mơ ước về sau và cũng có thể đó là ảo tưởng về một sứ mệnh quan trọng nào đó mà chính phủ của họ đã dựng nên.

Spencer, Steve, Ivory và Kin là 4 trong số hàng chục ngàn người lính trẻ khác vượt biển tới Việt Nam vào năm 1966. Bất kể lý do của mỗi người là gì, họ đều không biết rằng đây sẽ là một giai đoạn cuộc đời mà họ mãi mãi không thể nào quên. Ngay cả khi chiến tranh đã kết thúc, các ông vẫn phải chịu đựng những chấn thương tâm lý sau đó.

Ông Spencer Matteson từng phải sử dụng rượu và ma túy để cố quên đi những ký ức về chiến tranh: "Nhiều binh sĩ đã chết trong cuộc chiến kéo dài 10 đến 15 năm và tôi suýt nằm trong số đó. Tôi sử dụng rượu và ma túy để cố quên đi những ký ức về chiến tranh. Việc đó có tác dụng được một thời gian nhưng lại dẫn đến một vấn đề khác của tôi. Tôi trở thành một kẻ nghiện rượu. Tôi uống rượu và sử dụng ma túy đến mức mà tôi muốn tự tử.

Mặc dù tôi có ý nghĩ tự kết liễu đời mình nhưng phải mất đến 10 năm tôi mới có thể cai được rượu và chất kích thích. Trong quá trình tìm cách để vượt qua sang chấn tâm lý đó, tôi đã tự hủy hoại cuộc đời mình. Cuộc hôn nhân của tôi cũng vì thế mà đổ vỡ. May mắn tôi còn giữ được việc làm nhưng đó chỉ là vì tôi sợ trở thành kẻ thất nghiệp và cũng muốn có thu nhập để phục vụ nhu cầu sử dụng chất kích thích. Cuộc đời tôi như tan nát. Tôi cô lập mình khỏi gia đình và bạn bè. Tôi đã trở thành một kẻ sa đọa như thế".

Ông Steve Hassett nhớ lại: "Spencer Matteson uống rượu để quên đi những nỗi ám ảnh. Còn tôi sau khi rời khỏi quân ngũ cũng không nhận ra chiến tranh đã ảnh hưởng tới mình thế nào. Nhưng khoảng vài năm sau đó, phần lớn cảm xúc của tôi chỉ là sự phẫn nộ và cay đắng. Tôi tự biến mình thành người cô độc. Tôi chỉ làm việc vào buổi đêm khi không phải tiếp xúc với bất kỳ ai. Một vài năm sau, tôi bắt đầu đi học đại học dưới gói tài trợ cho cựu binh của chính phủ Mỹ (GI Bill). Từ đó, tôi tham gia sôi nổi vào các phong trào phản chiến.

Tôi gia nhập Hội Cựu binh Mỹ phản đối chiến tranh tại Việt Nam. Tôi còn đọc rất nhiều tài liệu nói về chiến tranh. Trước đó, chúng tôi còn chưa được biết đến chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam mặc dù đây là sự kiện tác động rất lớn tới lịch sử Việt Nam. Tôi bắt đầu tìm hiểu mọi thứ nhiều hơn kể từ đó. Ở lứa tuổi ngoài 20, tôi cũng bắt đầu viết thơ để giãi bày tâm sự".

Sau khi trở về từ cuộc chiến, cuộc sống đã diễn ra một cách không hề dễ dàng với những người lính Mỹ này, dù cho hàng chục năm đã trôi qua.

Ông Steve Hassett đã dành 5 năm rưỡi để viết lịch sử hoạt động của đơn vị của mình khi còn ở Việt Nam. Khoảng 4-5 năm trước, ông Steve Hassett tình cờ đọc được một bài viết của ông Spencer Matteson khi đang lướt mạng. Trong bài đăng của ông Spencer Matteson, ông Steve Hassett thấy có hai bức ảnh của mình.

Cùng với những bức ảnh chụp bởi Steve Hassett, ông Spencer Matteson cố gắng kể lại tất cả những gì đã xảy ra tại LZ Bird, như một cách để giải phóng những gì chất chứa trong tâm trí đã hàng chục năm. Ông không hề biết rằng, những thông tin này đã nhận được sự chú ý đặc biệt của những người Việt Nam đang trong một cuộc tìm kiếm vô vọng. Những thông tin mà ông Spencer Matteson đăng tải lên trang cá nhân, đã đến được với Thiếu tá Đặng Hà Thụy, một cựu chiến binh có nhiều năm rong ruổi đi tìm hài cốt liệt sĩ tại Bình Định. Và từ đó bắt đầu một cuộc tìm kiếm địa điểm chiến trường nơi gần như đã bị lãng quên.

Hơn 50 năm là thời gian đủ để địa hình nơi chiến trường xưa thay đổi đến mức khó có thể nhận ra. Đó cũng là lý do Thiếu tá Thụy và các cộng sự của mình mất 2 năm để xác minh chính xác vị trí trận địa, và thêm 2 năm nữa tiến hành khai quật mà không thu được kết quả gì. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi khi Thiếu tá Thụy liên lạc thành công với Bob March, một cựu chiến binh khác từ Sư đoàn Không kỵ số 1.

Bằng các mối quan hệ của mình, ông Bob March liên lạc với các cựu binh của Sư đoàn 1 ở khắp nơi trên nước Mỹ. Mọi manh mối thu được được chuyển về Việt Nam, để từ đó, vị trí chính xác của hố chôn tập thể bắt đầu được xác định. Năm 2022, việc khai quật một lần nữa được tiến hành. Và ở ngày thứ ba của cuộc khai quật, những di vật đã được tìm ra. Với một số người thân của các liệt sĩ Việt Nam, đây là điều mà họ đã chờ đợi sau suốt nhiều năm tìm kiếm trong vô vọng.

Tuy nhiên, hành trình tìm kiếm cũng không hề dễ dàng. Khi trở lại Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ đã ngoài 70. Khi đến Việt Nam sau 23 tiếng bay, ông Ivory Whitaker gần như cạn sức. 

Với ông Steve Hassett, điều các cựu chiến binh Mỹ có thể làm được là chia sẻ những ký ức của mình và cùng người dân Việt Nam loại bỏ những điểm khác biệt. Các cựu chiến binh Mỹ có rất ít thời gian để làm mọi thứ, nên họ cố vượt qua những mệt mỏi để truyền đạt lại những thông tin tốt nhất cho quân đội Việt Nam trước khi bắt đầu khai quật. 

Spencer Matteson cho rằng điều thúc đẩy ông làm việc không ngừng nghỉ chính là thời gian ngắn ngủi khi họ ở đây. Chính vì vậy, họ phải làm hết sức có thể khi còn ở đây. 

"Tôi cảm thấy đây là một nghĩa vụ. Các bạn đã có lòng tốt mời chúng tôi qua đây và tôi cũng đặt niềm tin rất lớn vào mục đích của nỗ lực này. Đây là nỗ lực không ngừng nghỉ, nó sẽ không chỉ dừng lại sau chuyến đi này. Có thể sẽ còn nhiều những chuyến đi khác nữa" - ông Spencer Matteson. 

Dù chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi ở Việt Nam, các cựu chiến binh Mỹ vẫn cố gắng tìm đến thăm gia đình thân nhân các liệt sĩ, đặc biệt là những gia đình mà hài cốt liệt sĩ chưa được tìm thấy. Những nụ cười, những cái bắt tay và những cái ôm - điều đó thực sự đã giải tỏa tâm lý cho các cựu binh. Họ đã được chào đón ở đây như những người bạn.

"Tôi biết anh là một chiến sĩ vô danh, có thể gia đình anh không biết anh đã hy sinh ở đâu, khi nào, anh được chôn cất tại đâu. Tôi hy vọng một ngày nào đó anh và gia đình anh có thể tìm được bình yên" - ông Steve Hassett. 

Khi được hỏi về cảm xúc lúc gặp các thân nhân liệt sĩ, ông Kinbourne Lo nói ông đã luôn đau đáu suy nghĩ về những điều mình sẽ nói, hay cách mình tiếp cận những thân nhân liệt sĩ và ông rất cẩn trọng, bởi ông sợ nói ra điều gì sai hay xúc phạm.

Đối với ông Steve Hassett, việc gặp mặt các thân nhân liệt sĩ là hoạt động mà người cựu chiến binh Mỹ cảm thấy lo lắng và e dè nhất trong cả chuyến đi, thậm chí còn hơn cả việc đến chiến trường LZ Bird năm xưa. 

"Chúng tôi gặp ông Lâm. Ông ấy không chỉ có một người anh đã hy sinh ở đây, mà còn một người anh em nữa cũng là liệt sỹ nhưng không biết đã hy sinh khi nào và ở đâu. Khi ông ấy còn nhỏ tuổi, binh lính Mỹ đã ép ông và anh em phải chạy khỏi nơi đang sinh sống. Chúng tôi đã đốt các bản làng nơi đó, rồi xả chất độc da cam lên các mảnh ruộng vườn. 

Tôi nghĩ những người như ông Lâm có lý do để ghét người Mỹ, và căm thù sự hiện diện của chúng tôi ở đây. Nhưng cách ông chào đón chúng tôi với sự nhân từ và chân thành, và các gia đình khác cũng vậy, đem lại trải nghiệm ấm lòng nhất trong cả chuyến đi của chúng tôi. 

Trải nghiệm có lẽ đã giúp chúng tôi hiểu thấu được mục đích của chuyến đi lần này. Chúng tôi không đến đây chỉ để xác định một điểm trên bản đồ, mà chúng tôi đã được gặp các gia đình liệt sĩ và hiểu được giá trị của việc giúp quân đội Việt Nam tìm được những ngôi mộ, xác định các hài cốt. Điều đó sẽ đem lại bình yên mà các gia đình liệt sĩ xứng đáng nhận được" - ông Steve Hassett chia sẻ. 

Khi được hỏi về trường hợp nếu không thể tìm thấy hoặc xác định ngôi mộ thứ hai, tất cả các cựu chiến binh Mỹ đều chung một ý nghĩ là họ sẽ không từ bỏ. 

Ông Kinbourne Lo chia sẻ: "Tôi cũng đã trao đổi với Đại tá Nguyễn Xuân Sơn rằng chúng tôi đã làm hết sức có thể và kể cả khi chúng tôi không tìm được gì, ít nhất chúng tôi cũng đã bắt đầu. Bản thân tôi sẽ tiếp tục thực hiện dự án này. Như tôi đã chia sẻ thì việc khai quật chưa bắt đầu hôm nay vì trời mưa, nhưng chắc chắn nó sẽ bắt đầu vào mai kia. 

Tuy nhiên nếu chúng tôi thực sự không tìm được gì, tôi đã chuẩn bị tâm lý sẵn sàng và các ông ấy cũng thế, để tiếp tục thực hiện dự án này cho đến khi chúng tôi tìm được một cái gì đó". 

Ông Ivory Whitaker nói về tâm trạng của mình: "Quan trọng là tôi cảm thấy chúng tôi sẽ tìm được một cái gì đó. Đấy là lý do tại sao chúng tôi đến đây, nhưng nếu như những gì chúng tôi mong đợi không xuất hiện khi chúng tôi ở đây, thì chúng tôi sẽ lại tiếp tục làm việc từ Mỹ, Ecuador, để đạt được kết quả đó. Chúng tôi sẽ không dừng tham gia dự án này và mối quan hệ giữa chúng tôi cũng sẽ được duy trì. Chúng tôi không đến đây để thực hiện một nhiệm vụ rồi rời đi. Tôi đến đây để góp phần cho dự án này đạt được thành quả". 

Ông Spencer Matteson sợ rằng trong tương lai số cựu binh tham chiến tại Việt Nam sẽ mất dần đi, cũng như phần lớn các cựu binh từ thời Chiến tranh Thế giới II cũng đã qua đời.

"Tôi rất mong, trong tương lai, kể cả khi chúng tôi không tìm thấy thêm gì ở đây, tôi mong rằng các tiến bộ công nghệ sẽ đuổi kịp. Đến khi chúng tôi không còn nữa thì công nghệ tân tiến hơn sẽ được ứng dụng và đem lại kết quả khả quan. Chỉ có một vấn đề là thân nhân, họ hàng của những liệt sĩ này cũng sẽ không còn trên đời, nhưng ít ra con cháu của họ sẽ vẫn còn và việc đó vẫn rất quan trọng" - ông Spencer Matteson bày tỏ. 

Trong 45 phút phát sóng của chương trình, bốn cựu chiến binh Mỹ đã kể lại hành trình ấn tượng để chữa lành vết thương chiến tranh của cả người dân Việt Nam và Mỹ. Hy vọng rằng hành trình đó cũng đã truyền cảm hứng cho nhiều người xem, đặc biệt là những người đang nắm giữ những mảnh ký ức quý giá có thể đóng góp vào nỗ lực đưa hài cốt còn chưa xác định của gần 200.000 liệt sĩ Việt Nam về quê hương. 

Talk Vietnam: Cựu binh Mỹ tìm mộ liệt sĩ đồi Xuân Sơn

VTV Đặc biệt “Mảnh ký ức”: Hành trình hàn gắn những vụn vỡ đau đớn, day dứt còn lại sau chiến tranh VTV Đặc biệt “Mảnh ký ức”: Hành trình hàn gắn những vụn vỡ đau đớn, day dứt còn lại sau chiến tranh Nhà báo Hoàng Linh: VTV đặc biệt “Mảnh ký ức” là thách thức lớn nhất trong nghề từ trước đến nay Nhà báo Hoàng Linh: VTV đặc biệt “Mảnh ký ức” là thách thức lớn nhất trong nghề từ trước đến nay VTV Đặc biệt 'Mảnh ký ức': Nỗi đau hơn nửa thế kỷ của những người lính phía bên kia chiến tuyến VTV Đặc biệt "Mảnh ký ức": Nỗi đau hơn nửa thế kỷ của những người lính phía bên kia chiến tuyến

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước