Đây là ngôi nhà có tính biểu tượng không chỉ của mối quan hệ ngoại giao Việt Nam và Pháp, của những nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong việc xây dựng nền ngoại giao nhân dân, mà nó còn là biểu tượng của tình yêu quê hương đất nước của đồng bào Việt Nam tại Pháp được thể hiện bằng tình cảm và vật chất suốt chiều dài thế kỷ.
Ghi dấu những nỗ lực, lưu giữ những chân dung, ghi lại một giai đoạn quan trọng trong của nền ngoại giao Việt Nam, bộ phim không chỉ là một cuốn kỷ yếu bằng hình mà thực sự là một tác phẩm phim tài liệu nhiều tính nghệ thuật nhưng đồng thời cũng nhiều thông tin quý.
Từ ngôi nhà có tính biểu tượng của một giai đoạn này, tác phẩm đã mở ra những câu chuyện khác nữa về con người, những nhân chứng của một thời mà dân tộc Việt Nam nỗ lực để có được hoà bình, xây dựng được vị thế của đất nước trong bối cảnh ngoại giao phức tạp ở những năm 70. Cho đến câu chuyện của ngày hôm nay, những nỗ lực của Chính phủ, của Bộ Ngoại giao để tiến tới xây dựng và củng cố mối quan hệ ngoại giao truyền thống tốt đẹp với Cộng hòa Pháp, từ mối quan hệ được Chủ tịch Hồ Chí Minh vun đắp trong những ngày đầu đất nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập.
Năm 2023, hai nước cùng kỷ niệm 50 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Pháp. Đây cũng là thời điểm thích hợp để cùng nhìn lại quá khứ và hướng tới tương lai.
Ngôi nhà được thiết kế trong bối cảnh cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước ở Việt Nam vẫn chưa kết thúc, nên không chỉ là một toà đại sứ thông thường, bản thân kiến trúc của ngôi nhà cũng ghi dấu một giai đoạn lịch sử cam go của đất nước Việt Nam với những thử thách về chính trị. Bên cạnh đó, ngôi nhà cũng là biểu tượng tình yêu nước của người Việt Nam tại Pháp, là nơi mà cho đến hiện tại, vẫn là điểm hội tụ của các hoạt động, ý tưởng, tình cảm của người Việt tại Pháp hướng về Việt Nam.
Ngôi nhà như một nhân chứng phản ánh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam, của các cán bộ ngoại giao Việt Nam và của các Việt kiều trong việc có một toà nhà đại diện cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ở giai đoạn ấy, chính thức đưa nền ngoại giao Pháp - Việt vào một giai đoạn mới.
Vốn là một thửa đất nằm trong khu phố có nhiều di tích lịch sử và văn hoá, việc xây dựng một toà đại sứ đồng thời cũng là nơi lưu trú cho nhiều cán bộ ngoại giao Việt Nam là điều mà thời điểm ấy không được thành phố Paris đồng thuận. Tháng 1 năm 1973, văn bản đầu tiên xin phép xây dựng toà đại sứ Việt Nam tại số 62 phố Boileau, Paris được trình lên. Văn bản cho thấy kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa - một người Việt Nam sinh sống tại Pháp là người chịu trách nhiệm thiết kế.
Văn bản đề nghị ấy đã bị từ chối. Lần thứ hai, lần thứ ba và nhiều lần nữa đều được yêu cầu sửa đổi.
Cùng với đại sứ Võ Văn Sung khi ấy là Tổng đại diện Việt Nam tại Pháp và các cán bộ của phái đoàn, kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa đã dành hàng ngàn ngày làm việc bên bản vẽ để có thể đạt được những yêu cầu của thành phố Paris và đặc biệt hơn là tạo ra một quần thể nhà vừa mang dáng vẻ Việt Nam, vừa tránh được những hoạt động khiêu khích của phía thân chính quyền Việt Nam Cộng hoà.
Sau gần 3 năm với hàng trăm văn bản trao đổi, hàng ngàn trang hồ sơ thiết kế cho các hạng mục, cuối cùng tháng 8 năm 1975, viên gạch đầu tiên của toà đại sứ Việt Nam tại Pháp đã được đặt xuống.
Từ thập niên 70 trở về trước, ở Pháp có nhiều tổ chức Việt kiều khác nhau cùng hoạt động. Hội Công thương của những người làm chủ nhà hàng, kinh doanh buôn bán được coi là tổ chức có kinh tế vững chắc hơn các hội còn lại.
Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà chưa bước ra khỏi cuộc chiến tranh, vật lực tài lực đều còn nghèo. Đóng góp xây dựng một căn nhà chung cho quê hương trên nước Pháp là ý nguyện của bà con. Tuy thế, để làm được điều đó là rất nhiều mồ hôi công sức.
Cùng với những người của Hội Công thương là những người xuất thân từ lính thợ hoạt động trong Hội Công nhân - như ông Nguyễn Phúc Kỳ - một người Việt đã phải rời xa Việt Nam để sang Pháp đi phu lính, rồi học để trở thành kỹ sư. Kỹ sư Nguyễn Phúc Kỳ là đốc công, hướng dẫn những người vốn xuất thân lính thợ như ông tham gia xây dựng toà đại sứ. Nhiều gia đình người Việt Nam tại Pháp thời gian ấy đã sống và làm việc trong cùng một mục đích là để có một căn nhà chung cho cộng đồng Việt tại Pháp - với họ, chính là hình ảnh của quê nhà.
Những hoạt động hướng về Tổ quốc của người Việt tại Pháp ở giai đoạn đất nước chưa hoà bình là vô cùng khó khăn. Hoạt động bí mật, thậm chí bị bắt và thẩm vấn, nhiều sinh viên xuất thân từ miền Nam Việt Nam đã bị đe doạ. Nhiều người tới Pháp vào những năm 50 nhưng cho đến ngày hoà bình lập lại mới có cơ hội trở về thăm gia đình bởi trở về là bị bắt. Tuy thế, tất cả những khó khăn ấy không ngăn cản được phong trào vì hoà bình cho Tổ quốc. Hội Công nhân, hội Công thương và các trí thức Việt Nam cùng liên hiệp lại để trở thành một sức mạnh thống nhất ngay cả khi chưa được Chính phủ Pháp công nhận sự chính danh.
Nhưng có sự chính danh nào mạnh hơn mong muốn được đóng góp xây dựng nền hoà bình cho quê hương của những con người ấy?
Toà nhà số 62 rue Boileau ở Paris có thể nói là một nhân chứng lặng lẽ, chứng kiến sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Pháp. Cây Linden lịch sử, nơi nhà thơ Boileau đã từng ngồi dưới tán để viết nên những tác phẩm, cũng là một thực thể đã đi cùng với cộng đồng ấy, chứng kiến kết quả của nền ngoại giao nhân dân đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh gieo mầm từ nhiều thập kỷ trước.
Tháng 6 năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến Pháp theo lời mời chính thức của Chính phủ Pháp. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp mang cờ ra đón người tại sân bay Bourges. Những lá cờ được may giấu tại nhiều nơi trên nước Pháp kể từ ngày Việt Nam tuyên bố độc lập. Lần đầu tiên lá cờ của Việt Nam được kéo lên, ngang hàng với lá cờ Pháp trên chính nước Pháp. Nền độc lập ấy đã làm thay đổi thân phận cho nhiều triệu người Việt Nam từ thân phận của người dân một nước nô lệ thành dân của một nước tự do.
Trong quãng thời gian lưu lại Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều cuộc tiếp xúc, với những người bạn cộng sản Pháp. Đây chính là một dấu mốc làm thay đổi cuộc đời của nhiều người.
Ngày 7/8/1975, giấy phép xây dựng quần thể đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp được chính quyền Paris cấp phép mặc dù ngày 12/4/1973, Việt Nam và Pháp đã chính thức mở đầu cho mối quan hệ ngoại giao của hai nước. Thêm một lần nữa kể từ sau Hiệp định Paris, Tổ quốc Việt Nam lại nhận được những tình cảm đầy hy sinh của cộng đồng người Việt tại Pháp. Chính họ là những nhân tố quan trọng đứng bên cạnh các nhà ngoại giao Việt Nam như đại sứ Võ Văn Sung, kiến trúc sư Võ Thành Nghĩa, quản đốc công trình Nguyễn Phúc Kỳ để xây nên ngôi nhà – biểu tượng thắng lợi của ngoại giao Việt Nam tại Pháp tại số 62 đường Boileau.
Ngày 29/4/1977, đại sứ quán Việt Nam tại Pháp chính thức được khánh thành nhân chuyến viếng thăm chính thức Cộng hoà Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng.
Nền ngoại giao Việt Nam chính thức có một trụ sở được mang tên Đại sứ quán nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tại Pháp.
Nếu như ngày hôm nay, cộng đồng người Việt tại Pháp được coi là một cộng đồng mạnh, có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước thì đây chính là thành quả của công tác ngoại giao nhân dân được hình thành từ nhiều năm, manh nha từ đầu thế kỷ 20, được lớn mạnh dần theo những biến thiên của lịch sử dân tộc, phát triển và tạo nên nhiều thành quả. Hiệp định Paris 1973 rồi đến toà đại sứ Việt Nam tại Pháp là một phần của ví dụ cho thành quả ấy.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đặt nền móng đầu tiên cho ngoại giao nhân dân không chỉ với nước Pháp mà còn các nước khác trên thế giới. Trong giai đoạn từ 1954 đến 1975, nhiều cán bộ ngoại giao của Việt Nam đã góp phần cho công việc thúc đẩy mối quan hệ giữa Việt Nam và kiều bào tại Pháp được lớn mạnh.
Kết quả của những cố gắng nỗ lực trên mọi mặt trận, lĩnh vực ngoại giao đã giúp cái tên Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử và trong trái tim của nước Pháp và người Pháp, và Pháp đã dành một sự quan tâm hết sức đặc biệt đối với Việt Nam và các nước láng giềng. Không phải ngẫu nhiên mà các Hiệp định hòa bình giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã được thảo luận và sau đó được ký kết tại Paris vào năm 1973.
Một thế hệ người Việt Nam mới cũng đã được sinh ra và lớn lên tại nước Pháp. Câu chuyện về những người lính thợ chỉ còn trong ký ức, thay vào đó là những trí thức Việt Nam sống và làm việc ở Pháp nhưng vẫn luôn giữ tinh thần hướng về Tổ quốc khi cần. Cũng đã có một thế hệ những nhà ngoại giao Việt Nam và Pháp mới, trưởng thành và được thừa kế mối quan hệ được xây dựng từ 50 năm, nỗ lực phát triển mối quan hệ ấy ngày một nhiều thành quả.
Thành quả hôm nay chắc chắn không thể thiếu nền móng của những viên gạch tinh thần đã được xây dựng suốt chiều dài lịch sử nửa thế kỷ.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua với nhiều biến thiên của lịch sử. Từ một dân tộc nô lệ, chìm trong chiến tranh, Việt Nam trở thành một nước độc lập và hoà bình ổn định. Từ những lá cờ may giấu, ngày hôm nay trên toàn nước Pháp có hơn 35 hội đoàn hữu nghị với Việt Nam ở khắp mọi nơi. Ngôn ngữ Việt Nam được giảng dạy tại một số truờng cấp ba và Đại học. Việt Nam cũng trở thành thành viên của khối Pháp ngữ.
Hội người Việt Nam ở Pháp mà tiền thân là Hội người An Nam yêu nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh - là một trong những người sáng lập - đã có một thế hệ tiếp nối đầy năng động và giữ nguyên tinh thần vì Tổ quốc. Tết của người Việt Nam đã được tổ chức ở toà thị chính thành phố Paris, trang trọng với sự hiện diện của các chính trị gia Pháp. Các nhà ngoại giao Việt Nam và Pháp đã cùng nhau xây dựng lòng tin và hướng tới một tương lai tốt đẹp hơn, phát triển hơn, như đã từng có trong lịch sử.
Có những câu chuyện, nhiều năm sau sẽ chỉ là một trang của lịch sử, như ngôi nhà số 62 phố Boileau với cây Linden rồi cũng sẽ đi vào ký ức của chính cộng đồng người Việt Nam tại Pháp khi một ngày nào đó, bắt buộc phải thay đổi để nâng cấp ngôi nhà.
Tuy thế, những nhân chứng của lòng yêu nước, những thành quả của nền ngoại giao nhân dân, sẽ vĩnh viễn là di sản của đất nước Việt Nam, được khắc dấu vào thời gian, như cây Liden vươn lên cùng ánh sáng.
VTV đặc biệt: Cây Linden mùa xanh lá
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!