Đổi đất lấy hạ tầng là hình thức hợp đồng quan trọng trong phát triển hạ tầng với mục tiêu huy động thêm các nguồn lực xã hội để phát triển hạ tầng, giảm một phần gánh nặng ngân sách nhà nước. Nhưng thực sự BT có giảm được gánh nặng đối với ngân sách nhà nước hay ngược lại trở thành công cụ làm thất thoát ngân sách nhà nước?
Dự án Nam Cường, dự án Bảo tàng Hà Nội, dự án đường Lê Văn Lương kéo dài... là những dự án BT tiêu biểu được nhắc tên trong danh sách dự án có nhiều vi phạm về tài chính với những con số kiến nghị thu hồi tài chính từ vài trăm lên đến hàng nghìn tỷ đồng.
Số tiền kiểm toán nhà nước kiến nghị xử lý tài chính lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Với những con số này, chiều 21/5, trong báo cáo ngân sách kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, khi nói về hình thức BT, Tổng kiểm toán nhà nước đã khẳng định "việc thực hiện dự án BT không thực sự giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước".
Để tránh tiếp tục thất thoát ngân sách, Kiểm toán nhà nước đã đề xuất có luật riêng về đầu tư BT, trong đó cần quy định không cho phép chỉ định thầu, đồng thời, bỏ quy định cho phép nhà đầu tư được tự lập dự án. Thay vào đó, việc này phải do cơ quan nhà nước lập, thẩm định và phê duyệt như quy định với dự án sử dụng ngân sách nhà nước để tránh lợi ích nhóm, hay cơ chế xin cho.
Vậy, những lỗ hổng nào khiến cho BT hình thức hợp đồng được kỳ vọng huy động nguồn lực phát triển hạ tầng lại có tác dụng ngược như vậy?
Chương trình Vấn đề hôm nay ngày 21/5 đã có cuộc trao đổi về chủ đề này với ông Đoàn Xuân Tiên - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước và ông Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội Đoàn TP. Hà Nội.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!