Quy hoạch xây dựng cụ thể hóa quy hoạch tỉnh: Cần thận trọng để tránh thành "nồi lẩu thập cẩm"

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 01/06/2018 09:36 GMT+7

VTV.vn - Đây là quan điểm của PGS. TS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia đưa ra trong chương trình Vấn đề hôm nay.

Luật quy hoạch có hiệu lực từ năm 2019 sẽ xoá bỏ sự chồng chéo trong quy hoạch cấp tỉnh, quy hoạch tỉnh sẽ tích hợp và đa ngành, song vẫn cần có bản quy hoạch xây dựng tỉnh đầy đủ, chi tiết và cụ thể hoá quy hoạch nhất là khi vấn đề đất đai luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tranh chấp. Liệu có hay không sự chồng chéo giữa luật quy hoạch sắp có hiệu lực và luật xây dựng sửa đổi là câu hỏi được nhiều người quan tâm.

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, PGS. TS Lưu Đức Cường - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia nhận định sự ra đời của luật quy hoạch có nhiều thay đổi tích cực.

"Rõ ràng, ý tưởng lớn nhất cho sự ra đời luật quy hoạch là việc có nhiều bản quy hoạch tích hợp hơn, tổng thể, toàn diện hơn và hứng tới loại bỏ quy hoạch không cần thiết. Ý tưởng này văn minh, cập nhật xu hướng của thế giới", ông Lưu Đức Cường cho biết.

Tuy nhiên, bên cạnh thay đổi tích cực cũng có những khó khăn nhất định bởi đây là lần đầu tiên Việt Nam làm theo cách mới này là toàn bộ hệ thống hành lang pháp lý chưa đầy đủ, tiêu chuẩn, quy chuẩn về mặt kỹ thuật còn chưa sẵn sàng. Đặc biệt, điều lo ngại nhất là việc tích hợp hàng chục ngành trong một bản quy hoạch trong khi các quy hoạch con có sự khác nhau khá nhiều về phương pháp luận, tiêu chuẩn, hệ cơ sở dữ liệu...

"Tôi nghĩ từng ngành phụ trách phần của mình sẽ phải tự nỗ lực để đưa ra bản quy hoạch lồng vào bản quy hoạch tích hợp tổng thể" - ông Lưu Đức Cường phân tích thêm - "Việc chúng ta không để khoảng trống pháp lý là rất quan trọng".

Có ý kiến cho rằng quy hoạch tổng thể phải có tính kết nối chứ không phải một cái nồi để cho tất cả các quy hoạch ngành vào thành món lẩu. Trước quan điểm này, ông Lưu Đức Cường thể hiện ý kiến đồng tình.

"Chúng ta cần hết sức thận trọng trong quá trình triển khai, làm mang tính chất thử nghiệm, rút ra bài học kể cả thành công và thất bại rồi mới nhân rộng bởi vì tới giờ phút này, Việt Nam chưa có một quy hoạch nào được lập theo phương pháp này, chưa ai biết làm thế nào, chưa biết khi kết hợp vào với nhau thì cơ chế giải quyết sự chồng chéo cũng như mâu thuẫn ra sao, chưa biết cách để đưa các hoạch định này cùng một hệ quy chiếu bởi nó thuộc những lĩnh vực chuyên ngành rất khác nhau, các trường cũng chưa đào tạo được".

"Những cán bộ mang tính tích hợp cao như vậy, chưa có đơn vị tư vấn nào ở Việt Nam đủ năng lực tích hợp mấy chục ngành như thế, vì vậy, nhận định trên hết sức chính xác, sự quan ngại về khả năng trở thành nồi lẩu là có cơ sở. Tuy nhiên, vì nhận thức ra điều đó nên chúng ta phải hạn chế tình trạng đó", ông Lưu Đức Cường nói.

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước