Buổi tọa đàm có sự tham gia của các chuyên gia trong nước, quốc tế và đại diện các địa phương có di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO công nhận. Các tham luận đều khẳng định, trong 10 năm vừa qua, Việt Nam đã đạt được những thành công lớn trong việc bảo tồn những di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO công nhận.
‘ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quý giá của Việt Nam. (Ảnh: Di sản thế giới)
Đặc biệt, các tham luận đều nhấn mạnh tới việc thay đổi nhận thức của giới trẻ về những di sản này. Ngày càng có nhiều hơn thanh thiếu niên ở những địa phương có di sản hiểu biết và tham gia vào công tác truyền dạy, bảo tồn di sản.
Tuy nhiên, thời gian qua, danh hiệu mà UNESCO công nhận đối với những di sản văn hóa phi vật thể ở Việt Nam, đã bị nhìn nhận theo hướng là những danh hiệu để vinh danh, quảng bá nâng cao hình ảnh của di sản, mà chưa thấy được tầm quan trọng và nội hàm của sự khẩn cấp trong việc bảo vệ các loại hình di sản này.
Việc nhìn nhận không đúng nội hàm của những danh hiệu di sản văn hóa phi vật thể đang có những tác động không tốt đến quá trình truyền dạy, bảo tồn những di sản quý báu đó. Đây là thực tế cần được các chuyên gia, các cơ quan chức năng tại địa phương có những điều chỉnh hợp lý, kịp thời trong thời gian tới.