Làng cổ Yangdong và HaHoe được coi là hai ngôi làng mang đặc trưng văn hoá Nho giáo quý tộc của Hàn Quốc. Hai ngôi làng này sở hữu những khối kiến trúc gỗ và một tổ hợp các căn nhà cổ làm bằng bùn đất và mái lá.
Yangdong và Hahoe đều nằm trong danh sách di sản văn hoá của UNESCO từ năm 2010, nhưng để có được danh hiệu đó, người dân và chính quyền địa phương đã có rất nhiều cố gắng để bảo tồn nguyên vẹn khối tài sản cổ khổng lồ này. Cụ thể, từ năm 1984, Hàn Quốc đã đưa 2 ngôi làng vào diện cần bảo tồn theo Luật bảo vệ di sản quốc gia.
‘ Ngôi nhà tranh hàng trăm năm tuổi vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn tại Làng cổ Yangdong và HaHoe.
Theo đó, Hàn Quốc củng cố hệ thống văn bản pháp lý về chính sách bảo tồn làng cổ trung và dài hạn, triển khai các dự án trùng tu liên tục. Khi oằn mình gánh một lượng du khách viếng thăm tăng đột biến kể từ khi được UNESCO công nhận, Hàn Quốc đã tổ chức hàng loạt cuộc hội thảo chỉ để giải quyết câu hỏi “Liệu bảo tồn và phát triển du lịch có thể đồng tồn tại ở những ngôi làng cổ”.
Để giải quyết câu hỏi này, một uỷ ban bảo tồn làng cổ có tên AURI đã được thành lập ngay sau khi được công nhận danh hiệu, nhằm vạch ra định hướng tương lai cho từng ngôi nhà cổ trong khu vực di sản. Song song với đó là lên kế hoạch đào tạo thật nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này. Hiện ở Hàn quốc có khoảng 170 ngôi làng cổ đang nhận được nguồn vốn bảo tồn của Chính phủ.
‘ Thành phố Kyoto, Nhật Bản.
Kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của Nhật Bản rất đáng trân trọng. Chỉ tính riêng từ năm 1975 đến nay, các chuyên gia bảo tồn Nhật Bản đã góp công lớn vào quyết định của Bộ Văn hóa nước này công nhận hơn 60 công trình văn hóa - kiến trúc quy mô lớn: Phố cổ, làng cổ, khu đô thị là tài sản văn hóa quốc gia - một quyết định liên quan mật thiết đến sự sống còn của di sản.
Cũng từ năm 1975, công tác bảo tồn ở Nhật Bản đã được văn bản hóa và thật sự là mối quan tâm của cả chính quyền và người dân địa phương. Trước khi xác định một quần thể văn hóa - kiến trúc nào đó có thể trở thành tài sản văn hóa quốc gia hay không, Chính phủ sẽ hỗ trợ việc khảo sát, nghiên cứu và sau đó xác lập phương án trùng tu để bảo tồn di sản.
Ý kiến của người dân địa phương có tầm quan trọng đặc biệt và sự đồng thuận mà họ bày tỏ là yếu tố quyết định chất lượng bảo tồn trong tương lai. Trong nhiều trường hợp, giới nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến những điều tưởng chẳng liên quan gì đến văn hóa - kiến trúc, chẳng hạn như điều kiện phòng cháy, chữa cháy. Những chi tiết nhỏ nhặt góp thành bức tranh bảo tồn nhất quán của người Nhật Bản, trong đó bảo tồn và phát triển trở thành điều kiện hỗ trợ nhau.
Ấn Độ cũng đang bước đầu thành công trong việc nhận diện về tầm quan trọng của bảo tồn di sản. Ấn Độ coi việc bảo tồn di sản là phải có hành động nghiêm túc và chiến lược cụ thể, đương nhiên là phải dành chi phí đáng kể cho quá trình này. Ví dụ, để New Delhi được công nhận là thành phố di sản thế giới của UNESCO, Ấn Độ đã mở chiến dịch thúc đẩy xây con đường di sản kết nối hơn 30 di tích lịch sử tại thành phố này với nhau.
‘ Đền mặt trời Konark, Orissa ở Ấn Độ.
Bên cạnh đó, là xây dựng các tuyến phố đi bộ, tuyến phố dành cho những đặc sản địa phương được đặc biệt chú trọng. Đây được cho là chương trình thiết thực để người dân thành phố cùng chung tay xây dựng nên thương hiệu từ danh hiệu được phong tặng.
Những bài học kinh nghiệm trong bảo tồn di sản từ các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Malaysia đều cho thấy việc bảo tồn không nên là bảo tồn đóng kín, mà phải là bảo tồn sống, có nghĩa là đảm bảo những điều kiện cần thiết để người dân – những người nắm giữ di sản không quay lưng lại với tài sản của quốc gia. Những điều kiện cơ bản đó sẽ không chỉ giúp di sản nguyên vẹn về mặt vật thể mà lối sống truyền thống của người dân sẽ vẫn được duy trì.
Mời quý vị và các bạn theo dõi những hình ảnh được VTV ghi lại trong chương trình "Câu chuyện văn hóa: Bảo tồn và phát triển-câu chuyện về Di sản và cộng đồng".
MEDIA ITEM: width="420" height="235" file="Thoi su/Nam 2013/Thang 7/20072013_cau chuyen vh.mov" Câu chuyện văn hóa: Bảo tồn và phát triển-câu chuyện về Di sản và cộng đồng