Bài học giúp một đứa trẻ trưởng thành có thể đến từ tiền mừng tuổi

Ban Thời sự-Thứ ba, ngày 31/01/2023 11:46 GMT+7

VTV.vn - Khi trao cho trẻ số tiền vốn thuộc về con đồng nghĩa với việc cha mẹ đã trao cho các em trách nhiệm sử dụng số tiền ấy.

Một bé gái ở Hà Nội mới đây đã viết biên bản "Giấy biên nhận vay tiền", với cấu trúc và cách hành văn rất rõ ràng để ghi lại việc đưa tiền lì xì cho bố vay. Lời lẽ và lập luận hết sức logic của cô bé khiến nhiều người "tâm phục khẩu phục" trước cách giữ tiền lì xì cẩn thận. Trước đó, một cậu bé khi đưa tiền lì xì cho mẹ giữ đã viết biên bản "Giấy vay nợ". Cậu bé khiến mọi người bất ngờ khi kê khai đầy đủ số tiền bằng cả số lẫn chữ, thậm chí ghi rõ cả thời hạn hợp đồng.

Trong những ngày này, nhiều bậc cha mẹ cùng với con cái đang tổng kết số tiền lì xì của trẻ. Ngày nay, lì xì cho con trẻ cũng được nhiều người lớn coi như một dịp để "ngoại giao" với nhau. Ở nhiều gia đình, số tiền trẻ nhận được từ phong bao lì xì không nhỏ, từ tiền triệu, chục triệu tới cả trăm triệu đồng sau Tết… Và thế là, sau Tết trong nhiều gia đình lại nổ ra cuộc tranh luận, ai giữ tiền mừng tuổi? Tiền rõ ràng là của con rồi, nhưng với số tiền quá lớn này để trẻ, ở các lứa tuổi khác nhau tự do cầm, sử dụng theo ý muốn lại không phù hợp. Ai sẽ là người giữ tiền mừng tuổi là chủ đề được bàn đến trong Góc nhìn văn hóa lên sóng ngày 31/1.

Nếu đối chiếu với các điều khoản của luật pháp thì câu hỏi ai là người giữ tiền mừng tuổi dễ trả lời. Bởi theo quy định của pháp luật hiện hành thì con có quyền tài sản riêng.  Với trẻ dưới 6 tuổi, tiền lì xì có thể do cha mẹ giữ nhưng việc sử dụng phải phục vụ cho nhu cầu của trẻ em và cha mẹ không được phép chiếm dụng. Trẻ từ 6 đến15 tuổi có thể giữ tiền mừng tuổi để phục vụ cho các nhu cầu sinh hoạt cá nhân phù hợp với lứa tuổi của mình. Nếu chi tiêu số tiền lớn không phải nhằm phục vụ nhu cầu cá nhân cần có ý kiến của người giám hộ. Con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý.

Như vậy, tùy vào độ tuổi của con, cha mẹ và con có thể xác định cách xử trí với tiền mừng tuổi cho phù hợp, trên nguyên tắc chung là việc chi tiêu khoản tiền đó phải phục vụ cho cuộc sống của trẻ. Có thể thấy, việc ứng xử với tiền mừng tuổi không đơn thuần chỉ là câu chuyện chi tiêu tài chính mà còn bao hàm rất nhiều giá trị văn hóa trong mỗi gia đình.

"Khi các con nhận được tiền lì xì thì bố mẹ cũng phải dạy con cách nhận tiền lì xì. Tôi nhận thấy các con có nhiều thiên hướng về vật hơn. Khi nhận tiền lì xì thì các con chỉ chú ý số lượng tiền là bao nhiêu, các con không để ý tới mình phải cảm ơn hay có thái độ trân trọng. Đó không phải điều đúng với văn hóa lì xì. Thu hết tiền của con tạo ra tâm lý không thích, không vui cho những Tết lần sau, tại sao con được tiền lì xì mà không được sử dụng tiền lì xì đó. Theo tôi, đó là quan điểm khá cực đoan về phía bố mẹ. Khi các con có cái nhìn tiêu cực sẽ cảm thấy khó khăn, các con cảm thấy việc tiêu tiền cũng khó, hay gia đình khó khăn tới mức tiền lì xì của các con cũng phải tiêu… Ở đây, chúng ta cần phải dạy con cách quản lý tiền", bà Vũ Thu Hà - Viện trưởng Viện Nghiên cứu đào tạo và can thiệp tâm lý Việt Nam – chia sẻ.

Có thể thấy, sử dụng tiền lì xì như thế nào, ai giữ khoản tiền này cho thấy văn hóa của mỗi gia đình. Các công việc chung trong nhà được xử trí như thế nào. Bố mẹ có tôn trọng con trẻ hay không. Bố mẹ định hướng hay ép buộc con theo ý mình. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, nếu biết cách sử dụng thì việc xử trí tiền mừng tuổi là cơ hội tuyệt vời để cha mẹ dạy con những bài học đầu đời về chi tiêu, cách tiết kiệm, sử dụng tiền thật hợp lý.

"Tuổi của các con sau mỗi năm đều có sự trưởng thành và thay đổi khác nhau. Điều quan trọng là giữ văn hóa liên quan tới tạo niềm vui của các con, kết nối giữa các thành viên trong gia đình. Cụ thể, khi các bạn trưởng thành hơn, từ cuối cấp 2 và đầu cấp 3, các bạn lại có nhu cầu lì xì lại những người lớn tuổi như ông bà. Lúc đó các bạn có nguồn tiền để làm chủ thì giúp các bạn trưởng thành hơn. Nhưng để có điều đó thì cần sự hỗ trợ, đồng hành rất nhiều từ các bậc phụ huynh", bà Vũ Thu Hà nói tiếp.

Mừng tuổi là một nét đẹp phong tục của người Việt trong ngày Tết đầu năm. Ngày nay, mệnh giá của những đồng tiền mừng tuổi lớn hơn và để duy trì ý nghĩa may mắn của nó cha mẹ cần hướng dẫn con cái sử dụng số tiền đó sao cho hiệu quả, để mỗi dịp đầu năm con cái sẽ có thêm một bài học về giá trị và cách sử dụng đồng tiền. Tiền mừng tuổi có thể là khoản tiền đầu tiên mỗi bạn nhỏ có thể nhận được trong năm mới, tiếp sau đó có thể là tiền thưởng học tập, tiền thưởng khích lệ sau khi giành chiến thắng một cuộc thi... Khi trao cho trẻ số tiền vốn thuộc về con đồng nghĩa với việc cha mẹ đã trao cho các em trách nhiệm sử dụng số tiền ấy. Và bài học giúp một đứa trẻ trưởng thành có thể đến từ số tiền mừng tuổi mỗi dịp năm mới.

Lì xì trực tuyến lên ngôi dịp Tết Lì xì trực tuyến lên ngôi dịp Tết

VTV.vn - Lì xì là một phong tục truyền thống mang ý nghĩa cầu bình an, may mắn. Tuy nhiên, ngày nay, không phải lúc nào chúng ta cũng có thể gặp mặt trực tiếp để trao tận tay nhau.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước