Bất cập trong đầu tư hiệu quả thiết chế văn hóa

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 22/11/2023 14:23 GMT+7

VTV.vn - Có nhiều lý do dẫn đến bất cập trong khai thác các thiết chế văn hóa như nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, đội ngũ cán bộ văn hóa còn thiếu...

Đại hội XIII của Đảng đặt ra mục tiêu xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam. Trong đó, Đảng đề ra nhiệm vụ đổi mới, hoàn thiện các thiết chế văn hóa từ Trung ương đến cơ sở, bảo đảm hiệu quả. Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và hai năm cụ thể hóa kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc được tổ chức vào tháng 11/2021, có thể thấy nhiều chuyển biến tích cực trong lĩnh vực văn hóa, trong đó việc đầu tư, hoàn thiện các thiết chế văn hóa ngày càng được chú trọng.

Hai năm qua, nhiều địa phương, bộ, ngành đã thay đổi quan điểm duy kinh tế, nghĩa là chỉ phát triển kinh tế, khi nào dư thừa cơm ăn, áo mặc mới dành cho văn hóa. Bởi ở nhiều nơi, các cấp ủy Đảng đã nhận thức rõ giá trị sức mạnh của văn hóa không chỉ làm giàu đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo. Nếu làm đúng, khai thác hiệu quả thì việc đầu tư xây dựng các công trình văn hóa hôm nay chính là cách mã hóa tinh hoa văn hóa thời đại, để kể câu chuyện cho thế hệ tương lai. Nổi bật là sự ra đời của các nhà hát đẳng cấp vừa truyền thống vừa hiện đại như Nhà hát Hồ Gươm, Nhà hát Đó…

Không thể phủ nhận những chuyển biến trong đầu tư trong văn hóa, trong đó có những thiết chế văn hóa. Tuy nhiên, nhìn nhận khách quan, không phải địa phương nào cũng hiểu đúng về thiết chế văn hóa. Ở nhiều nơi, nhà văn hóa, trung tâm văn hóa chỉ là cái vỏ, hoạt động cầm chừng, èo uột. Riêng một ngôi nhà hay công trình là có thể gọi là thiết chế văn hóa, còn cần phải quan tâm đến hệ thống cơ chế, chính sách vận hành, đội ngũ nhân lực, nguồn lực tài chính, chủ thể hoạt động. Hiện nay, còn nhiều rào cản khiến việc xây dựng các thiết chế văn hóa thể thao cấp xã gặp khó khăn. Nhiều nơi có đất đai dành cho công trình công cộng bị hoang hóa, lãng phí. Điều đáng nói là thiết chế văn hóa còn là khoảng trống ở nhiều vùng nông thôn và khu công nghiệp.

Có nhiều lý do để giải thích cho bất cập trong khai thác, sử dụng các công trình văn hóa thể thao, như do nguồn kinh phí hoạt động eo hẹp, đặc biệt ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa; do chưa hiểu đúng về đối tượng thụ hưởng… Trong đó, một nguyên nhân sâu xa và cốt lõi nhất là từ con người vận hành và sử dụng thiết chế này, cụ thể là đội ngũ cán bộ văn hóa ở cơ sở, vừa thiếu vừa yếu, phải sử dụng các cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề.

Hai năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, ghi nhận một số chuyển biến tích cực. Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm, từ nhận thức phải đúng và đồng bộ đến tháo gỡ nút thắt trong chính sách đầu tư, tránh dàn trải, đầu tư trọng tâm vào các địa phương khó khăn để đáp ưng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân, để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển bền vững đất nước. Đó vẫn còn là chặng đường dài bền bỉ, đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân từ nhận thức đến hành động.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước